Đến giờ, chị Hù Xa Mạ không nhớ rõ đôi tay mình đã làm ra bao nhiêu bộ váy áo của người Xá Phó, mà chỉ nhớ rằng, từ những tháng ngày còn nhỏ, chị đã theo bà, theo mẹ học thêu. Cuộc đời của chị Mạ cũng như bao người phụ nữ Xá Phó ở rẻo cao Nậm Kéng gắn bó với miếng vải nhuộm chàm, hạt cườm và những sắc màu, hoạ tiết trên bộ trang phục truyền thống. Từ những mũi chỉ chưa đều ngày còn nhỏ, dần dần, theo thời gian, những hoạ tiết, hạt cườm được đính đều tay, thẳng thớm mà chẳng cần vạch kẻ, khuôn thước nào định sẵn.
Chị Mạ bảo, thuở trước, để làm nên một bộ trang phục truyền thống của đồng bào, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, từ trồng bông, kéo sợi đến dệt vải, nhuộm chàm, từ trồng hạt cườm đến những ngày cặm cụi may thêu. Bây giờ, người Xá Phó không còn mấy ai nhọc nhằn để trồng bông, dệt vải nữa. Một số khâu đã được lược bớt, chỉ có cây hạt cườm là vẫn phải trồng, phơi thủ công và việc thêu tay vẫn phải được thực hiện. Mỗi bộ trang phục làm ra chỉ có thể tính áng chừng thời gian là nửa năm, một năm hoặc lâu hơn tuỳ vào sự khéo léo, miệt mài của đôi tay, còn “tuổi thọ” của chúng thì chẳng ai đong đếm, bởi sự bền của mảnh vải chàm được phủ bởi quá nhiều nắng mưa hoặc có lẽ chúng đã được thêu bằng một chất liệu đặc biệt mang tên thời gian trong đó.
Nhìn từng đường thêu, tôi ngưỡng mộ sao những đôi tay của phụ nữ người Xá Phó, dù chai sần, vương màu vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống nhưng lại vô cùng tỉ mẩn, nâng niu từng đường kim, mảnh vải. Tiếp nối thế hệ đi trước, những người phụ nữ Xá Phó hôm nay vẫn tiếp tục lặng thầm với nghề truyền thống, gìn giữ sắc màu văn hóa của dân tộc mình. Bằng những sợi chỉ đỏ, trắng, xanh, họ thêu lên hoạ tiết, hoa văn mang dáng hình của núi cao, suối xanh, của ruộng đồng, cây cối… Dường như trong mỗi hoạ tiết, mỗi chiếc váy áo, mảnh khăn, họ đang nhắc chính mình về chuyện của đồng bào từ những thuở lập bản, nhọc nhằn lo kế sinh nhai. Họ kể cho con cháu đời sau về những câu chuyện nhỏ về những giá trị mà ông cha để lại. Đó là mảnh ghép vun đắp nên cốt lõi của trang phục truyền thống, của bản sắc dân tộc bao đời được trao truyền trong mỗi mái nhà, qua từng thế hệ.
Thôn Nậm Kéng từ lâu được biết đến là “thủ phủ” của nghề thêu thổ cẩm truyền thống, nơi quần tụ chủ yếu của đồng bào Xá Phó. Hòa cùng dòng chảy của thời gian, bắt nhịp với những biến chuyển trong đời sống kinh tế – xã hội, nghề truyền thống ấy được nâng lên một bước. Những bộ trang phục, trang sức, vật dụng trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào dần bước ra khỏi giới hạn của thôn nhỏ rẻo cao mà tỏa đi muôn nơi, khoác lên mình tên gọi là sản phẩm du lịch độc đáo.
Nhớ về những ngày vui từng có, chị Lý Thị Ngay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm đồng bào Xá Phó thôn Nậm Kéng không khỏi cảm thán rằng nào có ai nghĩ tới một ngày đồng bào Xá Phó mang sắc hồn của dân tộc mình như một món quà gửi đi muôn phương, đến tay những người yêu thích và muốn khám phá văn hóa của cộng đồng dân tộc rất ít người này. Từ buổi đầu thành lập tới nay, câu lạc bộ luôn duy trì 40 thành viên, với nhiều độ tuổi khác nhau. Những năm trước, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Craft Link (Tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận và công bằng thương mại của Việt Nam), hoạt động của Câu lạc bộ thêm nhiều thuận lợi, có những thời điểm chị em làm không ngừng tay. Không chỉ dừng lại ở trang phục truyền thống, các chị em còn làm thêm nhiều sản phẩm khác như túi thổ cẩm, vỏ gối thổ cẩm, vòng tay… Thông qua những đơn đặt hàng, mỗi thành viên trong câu lạc bộ có thêm nguồn thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Niềm vui của chị em Xá Phó càng nhân lên khi đã góp phần cùng Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Lan Rừng xây dựng thành công sản phẩm “Bộ trang trí bàn ăn thổ cẩm” đạt OCOP mức 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Khai thác nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế là xu thế tất yếu và mang lại lợi ích kép, bởi điều đó chỉ có thể thực hiện khi cái gốc văn hóa được bảo tồn và nâng tầm tương xứng. Từ những phụ nữ cả đời chỉ biết cặm cụi với việc ruộng nương, may vá trong mỗi nếp nhà, giờ đây, chị em người Xá Phó đã đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm, trở thành những “đại sứ văn hóa”, lan toả những giá trị độc đáo của dân tộc mình đến du khách muôn phương, nhất là khi du lịch cộng đồng của địa phương đang ngày càng được quan tâm, khai thác.
Nhắc chuyện vui là vậy, nhưng nỗi buồn về những người “thêu, vẽ” thời gian ở Nậm Kéng cũng đang hiện hữu. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, những đơn hàng thưa vắng, du khách vắng người lại qua, chị em người Xá Phó vương nỗi buồn man mác. Ánh mắt nhìn về con đường im lìm phơi nắng phía trước, chị Lý Thị Ngay nói trong tiếng thở dài: “Mong những ngày bận rộn, đông vui sẽ sớm quay trở lại”. Đó cũng là tiếng lòng chung của phụ nữ Xá Phó ở Nậm Kéng hôm nay về một nhịp sống mới sau đại dịch Covid-19, để họ được tiếp tục với công việc từng gắn bó, gìn giữ và viết tiếp những quãng thăng trầm của một nghề truyền thống.