Khu rừng tống quá sủ ở Y Tý. |
Một trong những rừng cây đã trở thành biểu tượng của Y Tý là những rừng cây tống quá sủ. Với hình dáng khác lạ, những rừng cây này được người phương xa khi ghé thăm đặt rất nhiều tên, nào là rừng cây kỳ dị, rừng cây ma quái, rừng cây cổ tích…
Tống quá sủ xanh lá vào mùa xuân và kéo dài cho đến giữa thu. Bước sang mùa đông, cây rụng lá, phô ra những thân, cành xù xì, lớp vỏ lúc nào cũng bong tróc, nứt nẻ như da cá sấu. Những rừng cây tống quá sủ non thường mọc thẳng, nhưng theo năm tháng, cây già đi, thân cây khẳng khiu, có cây còn uốn lượn như cái dây khổng lồ. Ở vùng đất khắc nghiệt, quanh năm mây mù bao phủ, có rất ít loại cây thích hợp để sinh trưởng, riêng cây tống quả sủ thì tươi tốt năm này qua năm khác. Do đó, gỗ tống quá sủ được người dân sử dụng nhiều trong đời sống, như làm cột phụ trong ngôi nhà, làm vách, sàn kho trên gác mái nhà để tích trữ lương thực, làm các vật dụng trong gia đình, làm củi đốt… Những cây tống quá sủ có tuổi đời khoảng 10 năm sẽ cho thu hoạch gỗ. Khi thu hoạch, người ta không chặt tận gốc, đào rễ mang đi như nhiều loại cây khác mà cắt cách gốc chừng 1 m để cây lên mầm, đẻ nhánh đợi vụ khai thác sau.
Cũng vì thế, khi được tái sinh, cây tống quá sủ mọc lên tua tủa thân mới, mỗi thân một dáng hình, nhìn từ xa rất ấn tượng. Cây cành như những cánh tay khổng lồ của nhân vật kinh dị trong những bộ phim giả tưởng.
Về mặt kinh tế, cây tống quá sủ không có giá trị cao như sa mộc hay quế, nhưng lại có tác dụng giữ đất, giữ nước ở vùng núi cao khắc nghiệt, thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng núi Y Tý. Tống quá sủ có sức sống mãnh liệt, thích hợp ở vạt đất mới nên chính những chỗ đất sạt, vách núi, hạt cây lại bật mầm mạnh mẽ hơn. Nhiều năm trở lại đây, trong phong trào trồng rừng, giữ rừng của các thôn, bản ở Y Tý, tống quá sủ được đưa vào danh mục những loại cây chủ đạo trong việc nhân rộng và bảo vệ rừng.
Đến với vùng đất quanh năm mưa mù, du khách dễ dàng nhận thấy những rừng cây tống quá sủ đang góp thêm màu xanh cho núi rừng Y Tý. Không chỉ tạo nguồn sinh kế cho người dân, giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường, những rừng tống quá sủ còn góp phần giúp du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm của địa phương phát triển.