Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Phát triển du lịch trở thành lĩnh vực đột phá, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Kiên định những giá trị bền vững, Sở Du lịch đã và đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu tham mưu xây dựng Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng: Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến xanh và thông minh hàng đầu Việt Nam và khu vực, đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hàng đầu chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi khi du khách có kế hoạch lựa chọn một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á để đi du lịch.
Trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn tới, ngành du lịch Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, Sa Pa đạt danh hiệu thành phố du lịch sạch theo tiêu chí của ASEAN, phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên thiên và văn hóa, thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Là một trong những khu du lịch tiên phong triển khai du lịch xanh, bền vững, thị xã Sa Pa đang có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp “Sa Pa – điểm đến du lịch xanh”. Để làm được điều đó, Sa Pa phải bảo vệ rừng, giữ được đa dạng sinh học, đặc biệt là những giá trị cốt lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Khu Bảo tồn thiên nhiên ASEAN).
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), du khách đến với Vườn Quốc gia Hoàng Liên đều được trải nghiệm những tour, tuyến, dịch vụ gần gũi với thiên nhiên. Mục tiêu của chúng tôi là bảo tồn và phát triển hệ động – thực vật gắn với phát triển du lịch.
Là đơn vị phát triển và khai thác du lịch dựa vào thiên nhiên, Công ty TNHH cáp treo Việt Nam cũng luôn có quan điểm khai thác, phát triển du lịch bền vững gắn với giữ gìn, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ông Hoàng Văn Dân, Phó Giám đốc Công ty TNHH cáp treo Việt Nam cho biết: Chúng tôi khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững, hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải trong khu du lịch, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường. Chúng tôi còn đào tạo cho lao động những kiến thức về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, bền vững. Hằng năm, công ty trích một phần doanh thu để thực hiện các hoạt động trồng rừng và phát triển tài nguyên rừng.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để du lịch phát triển xanh, thông minh và bền vững, ngành du lịch Lào Cai rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân. Chỉ khi cả cộng đồng tạo dựng môi trường xanh mới có thể phát triển du lịch bền vững. Khi mỗi người dân là một “đại sứ du lịch” thì Lào Cai sẽ có cơ hội để trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và quốc tế.