Cuối năm 2014, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chính thức đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian tiếp cận đô thị Sa Pa. Với sức hấp dẫn về du lịch và thuận lợi về khả năng tiếp cận, Sa Pa đã có tăng trưởng đột biến về lượng khách. Năm 2013, có 720 nghìn lượt khách du lịch đến Sa Pa, doanh thu du lịch khoảng 576 tỷ đồng; năm 2018, Sa Pa đón 2,5 triệu lượt khách, thu tương ứng gần 4 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, con số này tiếp tục tăng trưởng cao với hơn 3 triệu lượt và dự kiến năm 2020 sẽ đón khoảng 4 triệu lượt.
Khu vực đô thị được mở rộng tạo điều kiện để Sa Pa thu hút nguồn lực đầu tư. |
Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh làm phát sinh nhiều vấn đề, hạ tầng đô thị và du lịch chưa thể đáp ứng được. Qua việc thực hiện phát triển đô thị theo quy hoạch tổng thể được duyệt cũng phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị Sa Pa, như khung giao thông đối ngoại có sự thay đổi (hình thành đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Sa Pa; điều chỉnh tuyến tránh Quốc lộ 4D); nhu cầu di chuyển trung tâm hành chính; thay đổi tính chất, chức năng một số khu vực nhằm đảm bảo khả thi hàng loạt dự án đô thị và du lịch đang được đầu tư, triển khai nhanh chóng, cụ thể hóa các định hướng tại đồ án Quy hoạch chung đô thị Sa Pa cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…
Việc Sa Pa trở thành thị xã đáp ứng yêu cầu của phát triển, là cơ sở quan trọng để lập kế hoạch, triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu đô thị, các khu du lịch, nghỉ dưỡng; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn xứng tầm trung tâm du lịch của cả nước.
Hạ tầng đô thị Sa Pa đang được đầu tư nâng cấp. |
Theo Sở Giao thông vận tải – Xây dựng, quy hoạch thị xã Sa Pa sẽ bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là trước năm 2030, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Theo đó, đô thị Sa Pa với 6 phường – khu vực đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt đô thị loại IV – sẽ là hạt nhân phát triển của toàn thị xã Sa Pa.
Dẫu vậy, trước yêu cầu mới, phạm vi đô thị được điều chỉnh mở rộng, đảm bảo phát triển đô thị hài hòa với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, bảo tồn vùng lõi đô thị cũ, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch xứng tầm là đô thị du lịch đẳng cấp quốc gia, quốc tế. Từ quy hoạch chung sẽ từng bước quy hoạch chi tiết các phân vùng chính khác như khu vực trung tâm hành chính đô thị, phát triển dịch vụ đô thị mới, cao cấp, khu công viên, khu sản xuất nông nghiệp đặc hữu, được nghiên cứu xây dựng với tính chất chức năng tương đối đồng nhất, tạo dựng toàn bộ không gian cấu trúc đô thị du lịch Sa Pa theo định hướng đến năm 2030. Các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, dịch vụ công cộng cấp phường cũng được bố trí hợp lý, đảm bảo phù hợp với đô thị miền núi. Các tuyến đường giao thông khu vực đô thị trung tâm sẽ được ưu tiên nâng cấp, đồng thời xây dựng mới các tuyến đường chính kết nối từ trung tâm đô thị đến các khu du lịch, dịch vụ, tạo thành mạng lưới liên thông.
Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Việc thành lập thị xã Sa Pa chính là hiện thực hóa các quy hoạch đã định hướng, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển.