Hoa cánh bướm nở rực rỡ trên núi Sao Cô Sỉn. |
Anh Giàng Châu – người Mông sinh ra và lớn lên ở Sao Cô Sỉn (xã Nấm Lư) thuộc từng quả đồi, từng cánh rừng sa mộc ở thôn vùng cao này. Những năm tháng nhọc nhằn làm nương, trồng ngô, cấy lúa… không làm anh nản chí, mà càng khiến anh thêm yêu lao động, yêu mảnh đất quê hương. Chính vì vậy, thay vì đi “bán” sức lao động ở bên kia biên giới, anh Châu cùng vợ quyết tâm biến nương ngô, bãi chăn thả gia súc, cánh rừng sa mộc thành điểm du lịch hấp dẫn. Không quá cầu kỳ, không cần thiết kế, nghĩ sao làm vậy, hai vợ chồng anh cần mẫn phát cỏ, đánh luống trồng hoa; dựng chòi ngắm cảnh. Điểm nhấn của khu vực này chính là cánh rừng sa mộc 26 tuổi ở trên đỉnh đồi, cao 1.200 m so với mực nước biển. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt thấy sông Xanh uốn lượn nơi vòm nhô Si Ma Cai, Nậm Chảy, thậm chí là Mã Quan (Vân Nam, Trung Quốc); những bản làng người Mông thấp thoáng giữa đại ngàn; thửa ruộng bậc thang vàng óng những “lớp sóng” lúa chín; những đồi chè xanh mướt trải dài ngút tầm mắt…
Những cánh rừng sa mộc gần 30 năm là điểm nhấn ở Sao Cô Sỉn. |
Để lên được đỉnh đồi này, vợ chồng anh Châu đã “gọt” đất tạo thành hơn 100 bậc, giúp cho việc đi lại dễ dàng. Xung quanh đồi, anh Châu khéo léo làm “cầu” bằng gỗ sa mộc, mặt cầu được lát gỗ tương đối rộng để mọi người tản bộ và thu vào tầm mắt phong cảnh xứ Mường.
Anh Giàng Châu – chủ nhân của điểm đến ở Sao Cô Sỉn trải lòng: Bắt tay triển khai từ tháng 11/2021, trừ những ngày mưa to, còn lại hai vợ chồng tôi và nhân công thuê thêm làm việc liên tục, từ làm đường đi đến kéo điện, kéo nước, dựng nhà, dựng chòi ngắm cảnh, làm cầu đi bộ trên đỉnh đồi sa mộc, trồng hoa (tam giác mạch, cúc, anh đào), làm bờ rào gỗ… Sau 4 tháng, công trình đã cơ bản hoàn thành và đón những đoàn khách trong và ngoài huyện, thậm chí ở Hà Nội lên tham quan, du ngoạn.
Cách điểm trải nghiệm của gia đình anh Giàng Châu không xa là điểm đón khách của anh Giàng Seo Cháng ở cùng thôn Sao Cô Sỉn. Đây là thành quả của hai “tư tưởng lớn gặp nhau”, bởi khi anh Châu đưa ra ý tưởng thì anh Cháng cũng đã ấp ủ từ lâu. Anh Cháng đã biến nương ngô của gia đình thành đồi hoa cánh bướm rực rỡ sắc màu, ở giữa là tuyến đường dạo và xung quanh là những điểm check – in vô cùng thú vị.
“Sống chậm” cùng người dân bản địa hồn hậu, chất phác. |
Để đến điểm trải nghiệm ở Sao Cô Sỉn có hai tuyến đường. Một là đi theo tuyến đường từ thôn Sín Lùng Chải A (xã Lùng Khấu Nhin). Theo tuyến này thì đi được xe máy đến tận nơi, thuận lợi cho những người không chịu được vất vả. Hai là theo tuyến từ trung tâm thôn Sao Cô Sỉn, đi xe máy leo theo tuyến đường đất dốc, đến điểm của anh Giàng Seo Cháng, rồi tiếp tục đi bộ giữa rừng sa mộc gần 30 tuổi và leo thêm đoạn dốc nữa sẽ đến. Tuyến đường này đi lại khá vất vả, nhưng phù hợp với những người ưa trải nghiệm, khám phá và chinh phục bản thân.
Khó có thể diễn tả được sự hấp dẫn, thú vị của điểm trải nghiệm trên đỉnh cao Sao Cô Sỉn. Hãy khoác ba lô, cùng rong ruổi đến Sao Cô Sỉn để chiêm ngưỡng, khám phá thiên nhiên vùng cao, “sống chậm” cùng người dân bản địa hồn hậu, chất phác, tìm sự an nhiên, thư thái cho mình.
Thời gian tới, gia đình anh Giàng Châu sẽ báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xem xét, đánh giá công nhận trở thành điểm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài huyện, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Mường Khương.