|
Tả Phìn (Sa Pa) đón chúng tôi bằng một cơn mưa xối xả chiều tháng 6. Dù nắng hay mưa, khung cảnh quen thuộc mà ai đến Tả Phìn cũng có thể gặp là hình ảnh phụ nữ Dao đỏ hoặc các em gái nhỏ quây quần bên đường, ngồi trước cửa nhà miệt mài thêu tay. Giống như các dân tộc thiểu số khác, người Dao đỏ ở Tả Phìn cũng có một số nghề thủ công mang dấu ấn riêng được lưu truyền nhiều đời, trong đó thêu thổ cẩm là nghề được người dân gìn giữ và phát triển nhất.
Người Dao đỏ quan niệm rằng, con gái phải biết thêu thùa thì mới lấy chồng được. Chẳng biết thêu thổ cẩm có tự bao giờ, nhưng hầu như từ nhỏ, các cô gái đã được dạy se lanh, dệt vải, thêu hoa… Giống như những phụ nữ Dao đỏ khác, khi mới 7 tuổi, Lý Lở Mẩy đã được mẹ dạy thêu tay; đến 12 tuổi đã có thể thêu thành thạo các hoa văn và khâu hoàn thiện một bộ trang phục. Với ước muốn lưu giữ nghề truyền thống, phát triển nghề trở thành sản phẩm hàng hóa nâng cao thu nhập cho phụ nữ Dao đỏ, năm 1996, Lý Lở Mẩy, khi đó là Chủ nhiệm Hợp tác xã Dao đỏ, sang Thái Lan học thêm các mẫu mã sản phẩm về truyền đạt lại cho bà con. Bà là một trong những phụ nữ đặc biệt ở Tả Phìn, người góp phần đưa thổ cẩm của người Dao đỏ vươn ra thế giới. Giai đoạn phát triển nhất, Tả Phìn có 2 câu lạc bộ thổ cẩm, trong đó nhóm Dao đỏ với gần 200 thành viên tham gia tích cực và thường xuyên. Với hơn 5.000 loại sản phẩm, trong đó hơn 70% xuất khẩu sang Ý, Pháp, Mỹ… thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất hàng ra nước ngoài gặp khó khăn. Tuy nhiên, phụ nữ ở Tả Phìn vẫn đều đặn thêu tay để tạo ra những sản phẩm may mặc sử dụng trong gia đình.
Các sản phẩm thổ cẩm độc đáo của người Dao đỏ. |
Với sự tỉ mẩn và khéo léo, phụ nữ Dao đỏ ở Tả Phìn đã tạo ra sản phẩm thổ cẩm đa dạng đầy sắc màu. Người dân còn may vá, thêu tay các sản phẩm như ví, túi, khăn tay, khăn trang trí tường… bán cho khách du lịch. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho thổ cẩm của người Dao đỏ ở Tả Phìn không hòa lẫn với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào. Nói về việc bảo tồn nghề truyền thống, bà Lý Lở Mẩy chia sẻ: Tôi rất vui vì các con, các cháu gái người Dao đỏ ở Tả Phìn vẫn rất thích thêu tay, đây là tín hiệu vui giúp sản phẩm truyền thống được lưu truyền và được nhiều người biết đến hơn.
|
Trong hành trình khám phá những nghề cổ của Lào Cai, chúng tôi tìm đến ông Giàng Seo Nhà, một trong những người cao tuổi gắn bó với nghề rèn nông cụ của người Mông ở Bản Phố (Bắc Hà). Sinh ra và lớn lên khi trong nhà luôn sáng lò rèn và quen tai với tiếng đe, tiếng búa nên dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn miệt mài với nghề cha ông để lại. Ông Nhà cho biết: Hơn 10 tuổi tôi đã biết rèn, đúc nông cụ nên trước khi vụ xuân và vụ mùa bắt đầu, thường là từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm, tôi đốt lò và bắt đầu rèn đúc. Chủ yếu là đúc lưỡi cày và rèn cuốc, xẻng, dao phát…
Ông Giàng Seo Nhà cũng cho biết thêm, trước kia ở Bản Phố có hợp tác xã chuyên rèn nông cụ, sau đó hợp tác xã giải thể. Bước ngoặt ấy để lại trong tâm tưởng thợ rèn Giàng Seo Nhà nỗi bâng khuâng. Hàng chục năm trôi qua, từ một thanh niên trai tráng hăng say kéo bễ, đánh búa… cho đến khi tóc đã điểm bạc, ông vẫn cặm cụi sớm hôm với bếp lò. Ông Nhà tâm sự: Tôi lo vì giờ đây lớp trẻ có rất ít người đam mê nghề t ruyền thống, nhưng chừng nào còn có người mua nông cụ thì dù cực nhọc đến mấy, tôi vẫn cố gắng giữ nghề.
Trò chuyện với người thợ rèn còn kiên trì với bếp rèn, ống bễ… chúng tôi nhận ra ẩn sâu trong cảm xúc trầm lặng, ưu tư của ông vẫn lấp lánh niềm tự hào được làm nghề, nối nghiệp cha ông.
Nông cụ do ông Nhà tự rèn đã sẵn sàng được mang ra chợ bán. |
Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, có nhiều nhà máy sản xuất nông cụ, máy cày… nhưng mỗi cuối tuần, những con dao phát, cuốc, xẻng mà ông Nhà mang ra chợ phiên bán vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng.
|
Nhắc đến nghề chạm bạc, hẳn nhiều người biết đến vùng đất Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum (Bát Xát) – nơi hội tụ của những người có bàn tay chạm khắc bạc tài hoa nhất vùng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cũng là nơi núi rừng quanh năm sương giăng, mây phủ của huyện Bát Xát, xã Dền Sáng cũng có những “nghệ nhân nông dân” với “bàn tay vàng” bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và phát triển nghề kéo bạc.
Vợ chồng ông Tẩn Phù Lìn và Tẩn San Mẩy, ở thôn Nậm Giàng, xã Dền Sáng được truyền dạy nghề chạm bạc từ cha ông. Gia đình bà Tẩn San Mẩy nổi tiếng chạm bạc từ xưa, thế nhưng nghề đã dần mai một. Năm 2013, vợ chồng ông mới khôi phục lại. Mỗi ngày tranh thủ lúc nhàn rỗi, vợ chồng ông lại ngồi tỉ mẩn với từng sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu là đồ trang sức, cúc áo, đồ trang trí trên bộ trang phục truyền thống của người Dao. Với người Dao, những chiếc cúc, dây nối bạc không chỉ có ý nghĩa trang trí cho bộ quần áo truyền thống, mà còn mang đậm văn hóa tộc người, ý nghĩa tâm linh. Để có những chiếc khuy áo hoặc chiếc nhẫn, chiếc vòng bạc với họa tiết hình cây cối, hoa lá, mặt trời, chim, thú… các nghệ nhân phải hòa tâm hồn mình cùng từng thớ bạc trong lửa nóng hoặc nhẹ tay theo từng nhát búa.
Ông Tẩn Phù Lìn cho biết: Trước đây, nguyên liệu dùng chế tác sản phẩm bạc thường là đồng bạc trắng hoa xòe, được tích trữ từ đời này qua đời khác. Ngày nay, loại bạc này rất hiếm và có giá trị cao về kinh tế nên nguyên liệu làm nghề chủ yếu là từ bạc vụn, bạc thỏi được bà con chủ động mang đến đặt làm trang sức hoặc được mua về từ nơi khác.
Nghề chạm bạc đã có từ lâu đời nhưng vào những năm 90 của thế kỷ XX mới được người dân ở Dền Sáng khôi phục, hiện địa phương còn có vài hộ theo nghề. Ông Tẩn Phù Chin, Bí thư Đảng ủy xã Dền Sáng cho biết: Tôi mong khôi phục, xây dựng một không gian văn hóa đồng bào Dao tại Dền Sáng, trong đó có nghề chạm khắc bạc, sản phẩm thổ cẩm, may mặc, vì hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công trên thị trường rất cao. Xã sẽ nỗ lực duy trì và phát triển nghề chạm bạc trở thành một trong những sản phẩm du lịch thu hút du khách, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Giữa bộn bề của đời sống hiện đại vẫn không thể phủ nhận giá trị thực tế và tinh thần mà các sản phẩm thủ công mang lại. Thêu thổ cẩm, rèn nông cụ hay chạm khắc bạc… từ nền tảng truyền thống, mong rằng sẽ luôn có những thế hệ sau nối dài những mạch nguồn văn hóa.