Bài 1: Trầm tích văn hóa Sơn Vi
Mấy chục năm qua, ít ai biết ở thôn An Thắng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng có một ông lão suốt bao đêm ngày mê mẩn với những viên đá cuội. Ngày ngày ông cứ đi dọc cửa suối Ngòi Nhù, bớt đất lật tìm những mảnh đá đủ hình thù, về cất giữ trong nhà như cất giấu… vàng. Có thời điểm, trong nhà ông cất giữ hơn một tạ… đá. Tưởng rằng đó là những viên đá vô tri, nhưng lại vô cùng có giá trị với công tác khảo cổ học, vì đó là những cổ vật có từ thời văn hóa Sơn Vi.
Lão nông mê… đá cuội
Ngôi nhà nhỏ mái ngói đỏ và vách liếp đơn sơ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngọc nằm bên ngã ba suối Ngòi Nhù đổ ra sông Hồng giữa một vùng cây trái xanh mướt. Năm nay đã 81 tuổi, ở xóm nhỏ bình yên đến vắng vẻ này, ông Ngọc vẫn có thói quen tiếp khách bằng một ấm trà với một ly cà phê sữa đá tự tay pha. Khách của ông Ngọc ở xa đến cũng rất đặc biệt, chủ yếu là những người đam mê nghiên cứu về văn hóa xưa, khảo cổ…
Ông Nguyễn Văn Ngọc (phải ảnh) giới thiệu những hiện vật đá mà gia đình lưu giữ. |
Ông Ngọc nói vui: “Không chỉ có cà phê sữa đá, nhà tôi còn có cả kho đá với hàng tạ… đá cuội nữa kia!”. Ai không biết thì tưởng ông nói đùa, nhưng đó là sự thật. Thì ra, từ mấy chục năm qua, người đàn ông có tính nghệ sỹ và hoài cổ ấy vẫn miệt mài, lặng lẽ làm công việc chẳng giống ai là đi nhặt những mảnh đá cuội về tích trữ trong nhà. Người không hiểu thì những mảnh đá đó chẳng có giá trị gì, nhưng với ông Ngọc và những người đam mê khảo cổ thì lại là cả một kho báu, bởi đấy chính là chứng tích còn lại của người Việt cổ cách đây khoảng 20.000 năm.
Minh chứng với chúng tôi điều đó, ông Ngọc lục tục đi ra phía sau nhà, lát sau khệ nệ bê ra sân cả một đống đá cuội. Chúng tôi quan sát kỹ đó là những mảnh đá nhiều hình dáng khác nhau, nhưng có điểm chung là đều cầm vừa tay, có cạnh sắc như được bàn tay con người gọt đẽo, mài giũa. Có mảnh đá nhỏ rất mịn hình dáng như chiếc rìu. Ông Ngọc cầm hai mảnh đá gõ vào nhau phát ra tiếng kêu lanh canh, giải thích: Đây là chiếc rìu đá được người Việt cổ làm thành cạnh sắc để chặt cây, kia là mảnh tước mỏng cạnh sắc như dao để xẻ thịt thú rừng, còn đây là chiếc chày đá, cối đá để nghiền, giã củ, quả có vỏ cứng…
Làm thế nào để ông sưu tầm được những cổ vật này? Tôi hỏi. Ông Ngọc nhâm nhi ly cà phê, mắt lim dim nhìn ra phía bờ sông Hồng: Tôi quê ở Hải Phòng, theo gia đình lên đây khai hoang từ đầu những năm 1960. Khi đó vùng đất này còn hoang vu lắm, chủ yếu là cây cổ thụ và lau sậy. Khi mở đất trồng khoai lang ở cửa Ngòi Nhù, tôi vô tình nhặt được mảnh đá có hình dáng như những công cụ đá của người Việt cổ. Tôi gom những viên đá đó thành đống bên cạnh vườn rau, rồi chọn những mảnh đá đẹp nhất mang về nhà cất. Các con tôi thấy cha làm vậy cũng học theo. Nhiều hôm rảnh rỗi, mấy bố con ra cửa suối Nhù chơi, câu cá, bới đất vạch cỏ tìm những chiếc rìu đá, mảnh tước về xếp đầy góc nhà, hiên nhà… Đến lúc quanh nhà nhìn đâu cũng toàn đá, tính theo trọng lượng có khi đến cả tạ… công cụ đá của người Việt cổ.
Trầm tích văn hóa Sơn Vi
Kho lưu giữ hiện vật đồ đá ở Bảo tàng tỉnh. |
Qua chia sẻ của ông Ngọc và lật tìm tư liệu lịch sử, tài liệu về khảo cổ học, chúng tôi có được một số thông tin liên quan. Những mảnh đá ông Ngọc sưu tầm được có hình dáng hoàn toàn trùng khớp với mô tả công cụ đá của người Việt cổ thuộc nền văn hóa Sơn Vi. Sơn Vi là tên một xã thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ của nền văn hóa này.
Không gian văn hóa Sơn Vi bao trùm các vùng thuộc Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Những người nguyên thủy chủ nhân của văn hóa Sơn Vi sống thành từng bộ lạc. Họ chủ yếu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du ở trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam, thượng lưu sông Hiếu, sử dụng công cụ lao động làm từ đá cuội được ghè đẽo thô sơ. Họ sống bằng săn bắn và hái lượm, chưa có trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay có khoảng 160 địa điểm thuộc văn hóa Sơn Vi đã được phát hiện.
Nhâm nhi xong ly cà phê, ông Ngọc dẫn chúng tôi ra cửa Ngòi Nhù, nơi dòng suối đổ vào dòng sông Hồng cuộn đỏ. Ông bảo, có thể vùng đất này từ xưa có nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, sản vật phong phú nên các thị tộc, bộ lạc người Việt cổ chọn làm nơi định cư.
Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên về những chuyện ông Ngọc kể và bộ sưu tập công cụ đá của nền văn hóa Sơn Vi, lại càng thêm bất ngờ vì ông Ngọc “bật mí” còn tìm được hàng chục cổ vật quý như rìu lưỡi xéo, dao găm, mũi giáo, mũi lao, mũi tên, vòng tay… bằng đồng thau, cùng nhiều mảnh gốm, sứ, tiền xu cổ ở chính nơi này khi ông đi đào vàng. Chỉ vào gò đất giáp bờ sông, nhặt lên những viên gạch rêu xanh to gấp đôi gạch thường, ông nói thêm: “Trước đây, chỗ này có một cái bốt nhỏ được xây từ thời Pháp đô hộ, qua năm tháng đã bị xuống cấp chỉ còn sót lại đống gạch cũ, có thể đó là nơi lính Pháp canh gác cửa Ngòi Nhù để quản lý việc khai thác gỗ quý từ mạn rừng già Văn Bàn”. Quả thực, mảnh đất này còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn mà chúng tôi chưa tìm hiểu được bao nhiêu.
Chuyện ở bảo tàng đá
Là người sở hữu một kho báu đồ sộ với hàng trăm cổ vật bằng đá từ thời đồ đá cũ, hàng chục cổ vật bằng đồng từ hàng nghìn năm trước nhưng điều kỳ lạ là ông Ngọc không giữ chúng cho riêng mình, cũng không bán cho ai, mà đem kho báu ấy tặng Bảo tàng tỉnh Lào Cai. “Hầu như năm nào cán bộ Bảo tàng tỉnh cũng xuống nhà tôi chơi, sưu tầm thêm được gì tôi đều tặng hết cho bảo tàng để lưu giữ và các nhà khảo cổ nghiên cứu, tìm hiểu, giúp thế hệ sau biết về lịch sử, cội nguồn dân tộc” – ông Ngọc cười.
Rời căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Ngọc, chúng tôi trở về thành phố Lào Cai tìm đến Bảo tàng tỉnh, nơi lưu giữ các di tích khảo cổ. Thạc sĩ Bùi Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người có 18 năm công tác tại đây dẫn chúng tôi vào thăm kho trưng bày các hiện vật đá sưu tầm được. Chị bảo, hầu hết các hiện vật đá ở bảo tàng thuộc nền văn hóa Sơn Vi do ông Ngọc sưu tầm được ở khu vực Ngòi Nhù, Ngòi Bo và trao tặng nhiều lần.
Trong hàng trăm hiện vật công cụ đá cổ đó, nhiều nhất là bộ sưu tập rìu bằng đá mài, đá cuội quatzitte (rìu đá không vai, rìu đá có vai, phác vật rìu đá…), ngoài ra còn có mảnh tước, chày nghiền, cối đá, dao đá, giáo đá, vòng trang sức đá, mảnh khuyên tai đá… có giá trị về khảo cổ học, giá trị lịch sử và văn hóa. Tại bảo tàng, tất cả các hiện vật đá đều được ghi chép trong sổ, ghi mã số và bảo quản cẩn thận, trưng bày trang trọng cho nhân dân đến tham quan, tìm hiểu.
“Qua sưu tầm các hiện vật đá trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy các hiện vật đá được tìm thấy chủ yếu dọc theo ven sông Hồng. Nơi chúng tôi sưu tầm được nhiều công cụ đá cổ nhất là ở di chỉ Ngòi Nhù thuộc khu vực xã Sơn Hà (Bảo Thắng), xã Cam Cọn (Bảo Yên). Tuy nhiên, đến nay di chỉ Ngòi Nhù vẫn chưa được cơ quan chức năng tổ chức khai quật khảo cổ học lần nào và vấn đề bảo vệ di chỉ khảo cổ này cũng gặp nhiều khó khăn” – Thạc sĩ Bùi Thị Hường cho hay.