Chị Thào Thị Mỷ, sinh năm 1988, người Mông, sinh ra, lớn lên và lấy chồng ở vùng đất Sán Chải. Năm Mỷ 10 tuổi, được mẹ dạy may, thêu thổ cẩm, làm trang phục truyền thống của người Mông. Trước đây, chị Mỷ thường tranh thủ lúc nông nhàn để may, thêu váy, áo cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Dần dần, tình yêu với những bộ trang phục truyền thống khiến chị Mỷ ngày càng đam mê công việc. Nhờ óc sáng tạo, những bộ trang phục truyền thống của người Mông qua đôi tay khéo léo của chị Mỷ như được thổi luồng sinh khí mới, trở nên đẹp mắt hơn, vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa phù hợp với xu thế thời trang. Hơn nữa, những bộ trang phục truyền thống do chị Mỷ làm ra được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, nên được nhiều người yêu thích đặt may. Nhờ đó, chị còn có thêm nguồn thu không nhỏ nhờ bán những bộ trang phục truyền thống.
Chị Thào Thị Mỷ may chiếc áo truyền thống dân tộc Mông cho khách đặt. |
Chị Mỷ hào hứng: Trước đây, tôi nhận may cả bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, nhưng bây giờ, tôi chỉ chuyên may áo thổ cẩm. Tôi thích chiếc áo thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc mình và muốn tạo ra nhiều chiếc áo đẹp, phù hợp với từng độ tuổi, tính cách của mỗi người thông qua phối màu, kết hợp với các mẫu thêu mới do mình tự nghĩ ra. Thường thì cuối năm, gần Tết sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn,nhưng trung bình mỗi năm tôi may khoảng 200 chiếc áo.
Những người đặt may áo thổ cẩm chỗ chị Thào Thị Mỷ thường là những chủ cửa hàng, sạp quần áo, bán tại các chợ phiên hoặc chợ du lịch ở Bắc Hà, Si Ma Cai và nhiều nơi khác. Với giá bán trung bình từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc áo, mỗi năm việc may trang phục truyền thống đem về cho chị Mỷ khoảng 100 triệu đồng. Đối với nông dân vùng cao, thì đây là khoản thu nhập đáng mơ ước.
Chị Sùng Thị Chấu, sinh năm 1984, người Mông, ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải cũng chính là một trong những người “thổi hồn” vào trang phục truyền thống dân tộc Mông ở Si Ma Cai. Chị Chấu còn được biết đến là một trong những người đầu tiên đưa nghề may trang phục truyền thống truyền dạy cho nhiều chị em trong thôn, trong xã. Qua 17 năm làm nghề may, với đôi bàn tay khéo léo, sự quan sát tinh tế, những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông mà chị làm ra vừa mang nét đẹp truyền thống, vừa có nhiều sáng tạo, ấn tượng.
“Nghề may trang phục truyền thống dân tộc không giống như may trang phục phổ biến khác (có nhiều thầy, trường dạy may). Ở đây, tôi hầu như phải tự nghĩ ra các mẫu mới hoặc tham khảo trên mạng Internet những mẫu váy, áo nào đẹp, phù hợp thì học theo để may cho khách”, chị Sùng Thị Chấu tâm sự.
Theo chị Chấu, từ bộ trang phục truyền thống phụ nữ Mông có thể cách tân thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã và phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành. Ngay từ khâu lựa chọn vải, thiết kế mẫu, kiểu dáng luôn được chị Chấu dồn nhiều tâm huyết, để mỗi bộ trang phục sẽ phù hợp với từng vóc dáng và mục đích sử dụng (đi chơi, cưới hỏi, lễ hội…). Thông thường, một bộ trang phục dạng áo váy dài, may cầu kỳ nhiều họa tiết, chị Chấu sẽ phải mất ít nhất 3 ngày để hoàn thiện, bao gồm cả khâu xâu hạt cườm, đính hạt vòng trang trí vào váy. Những chiếc áo, váy ngắn đơn giản thì sẽ mất 2 ngày. Những trang phục mỏng, nhẹ mặc trong sinh hoạt hằng ngày thì chị Chấu thường chỉ mất 1 ngày là có thể may được từ 3 – 5 bộ.
Mỗi bộ trang phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/bộ…Trung bình mỗi năm, nghề may trang phục truyền thống đem lại cho gia đình chị Chấu thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng (đã trừ chi phí). Nhận thấy, đây là nghề đem lại thu nhập khá cho gia đình, chị Chấu đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều chị em khác trong thôn, từ đó hình thành nhóm may trang phục dân tộc cho khoảng hơn 10 chị em, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.
Chị Sùng Thị Cú, ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải cho biết: Tôi biết đến nghề may trang phục truyền thống từ cách đây gần 6 năm nhờ sự hướng dẫn, động viên của chị Sùng Thị Chấu. Ngoài may theo đơn đặt hàng, tôi còn tự mang sản phẩm đi bán tại các chợ phiên như: Sín Chéng, Cán Cấu, Lùng Phình, Xín Mần (Hà Giang)…Từ khi làm may, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi nhiều, thu nhập ổn định hơn. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với nghề này và truyền lại cho các con.
Qua đôi tay và khối óc của những phụ nữ đầy tâm huyết với trang phục truyền thống dân tộc ở Sán Chải, những bộ trang phục không chỉ đơn giản là những bộ váy, áo đáp ứng nhu cầu thông thường, mà còn là nét đẹp văn hóa dân tộc, mỗi bộ trang phục truyền thống như được “thổi hồn” trở nên sống động, đẹp mắt và đầy ấn tượng.
Chị Vàng Thị Dí, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai khẳng định: Nghề may trang phục truyền thống đã giúp nhiều hội viên phụ nữ xã Sán Chải có thu nhập khá và ổn định, nên cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ xã thường xuyên vận động chị em giữ và duy trì nghề truyền thống này để phát triển kinh tế, hạn chế đi làm thuê xa nhà, từ đó có nhiều thời gian chăm sóc con và gia đình. Hiện nay, địa phương đã hình thành những nhóm chị em chuyên may váy, áo phụ nữ, có nhóm chỉ chuyên may trang phục truyền thống dân tộc của đàn ông… vừa phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống và tạo nên nét đặc trưng riêng của Sán Chải.