Vị trí cổng phế tích thành cổ. |
Phế tích thành cổ Lùng Thẩn là công trình kiến trúc quân sự được xây dựng bằng đá vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Đây là công trình quân sự độc đáo và cũng còn khá nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Công trình được chia làm nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau (trước đây đủ 3 đơn nguyên nhưng 1 đơn nguyên đã bị phá hủy không còn dấu tích). Đơn nguyên 1, thành Nam: Với tổng chiều dài 158,59 m, được chia làm 2 đoạn thành, gồm thành nằm bên trái cổng thành dài 127,59 m và đoạn thành bên phải cổng thành dài khoảng 28 m. Chính giữa khe núi là nơi có vị trí thấp nhất và cũng là lối ra, vào khu vực thành cổ, rộng khoảng 3 m. Đơn nguyên 2, thành Tây Nam: Để bảo vệ khu vực trong thung lũng, Giàng Chẩn Mìn cho xây dựng một đoạn thành khác dài 60,66 m nối từ núi Láo Chỉn Sảng sang núi bên cạnh tạo lối vào thành rộng hơn 2 m. Đoạn tường thành này cũng được xếp bằng đá tự nhiên dựa trên địa hình vốn có của núi. Những tảng, trụ đá được nối lại với nhau bằng các đoạn thành. Hiện trạng nhiều đoạn thành đã bị đổ, một số đoạn bị đổ phần trên, cơ bản vẫn định hình được tất cả do còn phần chân móng.
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất UBND xã Lùng Thẩn tiếp tục liên hệ, sưu tầm tài liệu để sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất UBND tỉnh xếp hạng Di tích phế tích thành cổ Lùng Thẩn là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.