Chưa đến 7 giờ tối, nhưng chợ đêm Nghĩa Đô (Bảo Yên) đã kín người. Hòa cùng dòng người, chúng tôi trải nghiệm phiên chợ đêm ở vùng quê thanh bình, mến khách và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách muôn phương. Dù đã có không ít thông tin về chợ đêm Nghĩa Đô, nhưng khi đến đây, chúng tôi vẫn vô cùng bất ngờ. Chợ đêm Nghĩa Đô diễn ra vào tối thứ Bảy hằng tuần, mang đậm phong cách chợ nông thôn của người Tày. Ở bãi đất bằng, chợ không làm quá cầu kỳ, mà được dựng lên bằng cột tre, mái lợp cọ; các gian hàng không có sự ngăn cách, tạo không gian mở như chính phong cách phóng khoáng, rộng lòng của người dân nơi đây. Vừa bước chân tới cổng chợ, một cô gái Tày trong trang phục truyền thống, nở nụ cười tươi: Chào mừng quý khách đến chợ đêm Nghĩa Đô!
Đúng là muốn đi chợ quê thì hãy về chợ đêm Nghĩa Đô. Trải dọc từ đầu đến cuối chợ là những sản vật mà chỉ tìm thấy ở mảnh đất này. Nào là bánh chuối, nộm trám, xôi màu, cá nướng hai lửa, lam vịt, bi chuối hấp… Không chỉ có ẩm thực độc đáo, thật khó cưỡng, chợ đêm Nghĩa Đô còn là không gian để trưng bày những đồ thủ công gắn với đời sống thường ngày được làm từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế và đầy thẩm mỹ của người Tày. Đó là chiếc mẹt, giỏ đựng cá, làn đi chợ… được làm từ cây giang lấy từ rừng sâu. Dù chợ không quá rộng, nhưng sự hấp dẫn và những nét thú vị khiến chúng tôi cùng nhiều du khách dường như lạc lối. Chị Hoàng Thu Huyền đến từ Hà Giang tâm sự: Đây là lần thứ 3 gia đình tôi đi chợ đêm Nghĩa Đô. Sự thân thiện, mến khách của người dân, cùng những đặc sản nổi tiếng, không gian rộng mở, thanh bình… là lý do khiến tôi luôn muốn tìm đến chợ Nghĩa Đô để trải nghiệm.
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô Đỗ Văn Lưu cho biết: Xã Nghĩa Đô xác định chợ đêm là một sản phẩm du lịch chủ lực, tạo “cú hích” cho kinh tế, dịch vụ và du lịch địa phương. Thực tế cho thấy đây là chủ trương rất trúng và đúng, phù hợp với nguyện vọng của người dân cũng như nhu cầu của du khách. Thời gian đầu triển khai (giữa năm 2021) chỉ có hơn 10 gian hàng, nhưng nay đã có 29 gian hàng, dự kiến sẽ phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Việc tổ chức chợ đêm đã mang lại “lợi ích kép”, là thúc đẩy phát triển du lịch và người dân địa phương có thu nhập. Bà Nguyễn Thị Sản ở bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô bộc bạch: Tôi tham gia bán hàng từ khi chợ đêm mới tổ chức cho đến nay. Trung bình mỗi phiên chợ, tôi thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng, như vậy mỗi tháng thu được 6 triệu đồng. Với người dân nông thôn, đây là nguồn thu lớn, giúp cải thiện cuộc sống gia đình.
Nếu các gian hàng có mức thu như của bà Sản thì mỗi tháng chợ đêm Nghĩa Đô đem lại nguồn thu lên tới gần 180 triệu đồng. Đó là thành công mà chợ đêm Nghĩa Đô đạt được khi du khách không còn “mang tiền đến lại mang về”.
Không thể không nhắc tới chợ đêm Bắc Hà với những nét văn hóa đặc sắc của “Cao nguyên trắng”. Chính thức hoạt động vào tối thứ Bảy hằng tuần từ năm 2015, chợ đêm Bắc Hà đã tạo không gian giao lưu văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Dần dần chợ đêm trở thành “mảnh ghép văn hóa” không thể thiếu trong bức tranh du lịch của vùng “Cao nguyên trắng”.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháng 4/2022, chợ đêm Bắc Hà được “hồi sinh”. Không chỉ chuyển chợ đêm sang hoạt động tại một không gian rộng rãi hơn, chính quyền địa phương còn nâng cao chất lượng bằng những chương trình giao lưu nghệ thuật giàu bản sắc các dân tộc, giúp hoạt động trải nghiệm của du khách được đa dạng và trọn vẹn hơn.
“Nếu đi du lịch Bắc Hà mà không đến chợ đêm thì quả là một thiếu sót. Chúng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến đây. Đó là được tìm hiểu về văn hóa và được giao lưu với những người dân giàu tình cảm, mến khách” – chị Phạm Thị Mai (Thanh Hóa) chia sẻ.
Chị Phan Nhung, chủ gian hàng ẩm thực Tịnh Tâm Jessica tại chợ Bắc Hà cho biết: Chợ đêm giúp tôi có thu nhập gấp 6 – 7 lần so với ngày thường. Ngày bình thường tôi bán được khoảng 2 triệu đồng, còn chợ đêm bán được 10 triệu đồng, có thời điểm chợ đêm trùng với dịp lễ hội, thu nhập có thể đạt 15 – 16 triệu đồng.
Ngoài gian hàng của chị Nhung, các gian hàng ẩm thực, tiêu thụ nông sản, đặc sản, thổ cẩm, quà lưu niệm… đều tiêu thụ rất tốt tại chợ đêm. Ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Trước đây, chợ đêm Bắc Hà chỉ đơn thuần là biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách, nhưng nay huyện đã định hướng, kỳ vọng xây dựng, nâng tầm sản phẩm chợ đêm. Chúng tôi chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm ẩm thực, mua sắm cho du khách, đồng thời nghiên cứu phương án tổ chức chợ đêm vào một số ngày trong tuần để du khách đến với Bắc Hà đều có thể ghé thăm. Huyện sẽ tạo thuận lợi nhất để người dân, tiểu thương khắp nơi đến giao thương và giao lưu tại chợ đêm Bắc Hà.
Ngoài chợ đêm Bắc Hà; Nghĩa Đô, Phố Ràng (Bảo Yên), tại thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai cũng đã hình thành và phát triển chợ đêm gắn với hoạt động du lịch. Các phiên chợ đêm này hoạt động hiệu quả, vừa góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, vừa tạo tiền đề để hình thành và phát triển “kinh tế đêm” ở Lào Cai.
“Chợ đêm được xác định là một trong những sản phẩm được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Việc duy trì và phát triển chợ đêm, “kinh tế đêm” sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm… từ đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng nghĩa với việc chi tiêu của khách và doanh thu du lịch sẽ tăng” – ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết.
Cũng theo ông Bình, Sở Du lịch Lào Cai đang tư vấn, định hướng giúp các địa phương (Bắc Hà, Bảo Yên, thành phố Lào Cai) tổ chức không gian chợ đêm theo hướng gắn với tập quán, bản sắc văn hóa các dân tộc; là nơi giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, thổ cẩm, các sản phẩm làng nghề truyền thống; kiên quyết không đưa các sản phẩm ngoại lai, không có nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ thương hiệu, giữ gìn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.