Lễ hội đền Cô Tân An. |
Đền Cô Tân An là di tích cấp quốc gia, đây cũng là điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh của du khách mỗi khi đến Lào Cai. Xác định được vai trò và tầm quan trọng đó, những năm qua, Ban Quản lý di tích đền Cô Tân An đã triển khai nhiều biện pháp trong việc tổ chức lễ hội, tiếp đón du khách phù hợp chủ trương của địa phương nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Ban Quản lý đền đã hoàn thiện các văn bản, đề án liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiết kiệm tổ chức lễ hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nội dung và nghệ thuật, chú trọng khôi phục và tổ chức lễ hội theo bản sắc tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân và du khách đi lễ đúng quy định, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh dịch vụ hoạt động đúng cam kết và không để tình trạng “chặt chém”, tệ nạn xảy ra trong khuôn viên đền.
Di sản văn hóa trên địa bàn huyện Văn Bàn rất phong phú và đa dạng, có 11 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng, như làn điệu dân ca Khắp Nôm của dân tộc Tày, lễ cúng rừng của người Dao đỏ, lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật trang trí trang phục của người Xá Phó, trò chơi kéo co của người Tày – Giáy, lễ cầu làng “Áy lay” của người Dao họ, lễ Then và Mo Tham Thát của người Tày… Ngoài ra còn có hệ thống di tích được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Khu du kích Gia Lan, địa điểm chiến thắng đồn Cóc, đồn Khau Co, đồn Dương Quỳ, đền Ken và Di tích cấp quốc gia đền Cô Tân An.
Xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá, nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực để phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, huyện Văn Bàn đã có nhiều biện pháp khơi dậy, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể và vật thể trên địa bàn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thôn, bản và tổ dân phố đã phát huy được vai trò ban chủ nhiệm nhà văn hóa – khu thể thao, kết hợp với trưởng thôn, bản, tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể xây dựng tính tự quản trong cộng đồng theo Thông tư 04/2012 của Bộ Nội vụ. Nhờ đó, bảo tồn được các lễ hội dân gian truyền thống, trò chơi dân gian, làn điệu dân ca, nghệ thuật quần chúng, văn hóa trong việc cưới… đồng thời cải tạo, bài trừ những phong tục, tập quán lạc hậu và tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, mỗi cộng đồng dân cư đều xây dựng được quy ước, hương ước trên tinh thần chủ động, đồng tâm của cả cộng đồng. Trong đó, lấy bản sắc văn hóa cộng đồng làm sợi dây liên kết, thống nhất giữa các thành viên trong đấu tranh bài trừ văn hóa lạc hậu, độc hại và hướng đến văn minh, tiên tiến nhưng vẫn giữ được nguồn cội.
Theo bà Phùng Hoàng Oanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Bàn, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thì việc phân cấp, định hướng kiểm kê di sản văn hóa tại mỗi cộng đồng, địa phương là rất quan trọng. Cả cộng đồng sẽ nhận biết những di sản văn hóa là những bản sắc cần được bảo tồn, phát huy và những di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một cần được khôi phục. Từ đó sẽ tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận và xếp hạng các di sản văn hóa phi vật thể và vật thể để người dân trên địa bàn nêu cao trách nhiệm gìn giữ, khai thác giá trị.
Huyện Văn Bàn cũng quan tâm xây dựng hệ thống câu lạc bộ văn hóa, tập hợp các nghệ nhân dân gian truyền dạy và giữ gìn bản sắc văn hóa; tổ chức các hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng và các giải thể thao dân tộc; phổ biến, truyền dạy trong các nhà trường về những di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đây được coi là giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các bản sắc văn hóa bền vững mà Đảng bộ và nhân dân huyện đang thực hiện.