Ẩn mình trong rừng nguyên sinh thuộc địa giới hành chính 4 xã: Dền Thàng, Dền Sáng, Trịnh Tường, Cốc Mỳ, vùng chè búp đỏ và chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi thọ vài trăm năm tuổi. Những cây chè nơi đây được phân bố rải rác dưới tán những cây rừng, diện tích khoảng 100 ha, nhiều cây cao vài chục mét, thân xù xì, rêu phong, cành lá sum suê.
Nhiều cây chè thân rêu phong to bằng cả một người ôm. |
Trải qua bao năm, cây chè vẫn tồn tại và gắn bó với những cánh rừng nguyên sinh như món quà quý của núi rừng dành tặng con người nơi đây. Những cây chè cổ thụ sống trên núi cao sinh trưởng tự nhiên, tự hấp thụ chất đất, khí trời, thấm hương rừng núi, trải qua năm tháng chắt chiu tinh túy trong từng búp chè non tơ, mỡ màng. Cây chè ở đây có chiều cao 5 – 20 m; thân cây to, phân nhiều cành lá, vươn ngang theo mặt đất, tán rộng vài mét. Rừng chè cổ thụ mọc xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác, do chưa từng có tác động của con người nên rất khó phát hiện nếu đứng từ xa quan sát. Những thân chè to nhất bằng cả vòng tay 1 người ôm. Theo lời kể của người dân địa phương, không ai xác định được cây chè ở đây có từ bao giờ. Họ chỉ biết, từ bé đã nghe người cao tuổi nói trên núi có cây chè, khi lớn lên, tới đây đã thấy có nhiều cây chè to, cho đến bây giờ cũng không ai khai thác, thu hái. Người dân mong Nhà nước sẽ đầu tư, bảo tồn diện tích chè này để mở hướng phát triển kinh tế.
Thổ nhưỡng cùng với khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ đã sản sinh ra những búp chè tươi có vị rất riêng: Búp chè tươi có vị đắng nhẹ nhưng không gắt, đượm vị ngọt, lưu hương lâu. Trên địa bàn huyện Bát Xát còn nhiều vùng chè cổ thụ có chất lượng ngon ở các xã như Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Dền Thàng, A Mú Sung… Để bảo vệ và khai thác hiệu quả diện tích chè cổ thụ hiện có, huyện Bát Xát đã khảo sát, xác định rõ diện tích, số lượng, tuổi thọ của cây chè cổ thụ; kiểm tra các vùng có khả năng mở rộng vùng sản xuất; xây dựng dự án, kế hoạch bảo tồn nguồn gen, đầu tư trồng mới. Bên cạnh đó, huyện kêu gọi đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh có năng suất, chất lượng cao và quy mô hàng hóa gắn với quy hoạch xây dựng hạ tầng vùng chè, công nghiệp chế biến, tiêu thụ; tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu để nhiều người biết đến giá trị của sản phẩm chè cổ thụ Bát Xát…
Song song với việc tìm hiểu nguồn gốc, đánh giá tiềm năng phát triển vùng chè cổ thụ, huyện Bát Xát cũng nghiên cứu thêm hướng phát triển du lịch sinh thái trên cung đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn nhằm thu hút du khách.
Ông Lê Huy Giang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát có rất nhiều vùng chè cổ ở các xã vùng cao. Qua khảo sát trên đỉnh núi Lảo Thẩn, khu vực xã Dền Thàng quản lý, chúng tôi thấy còn rất nhiều cây chè cổ, ước tính có cây tuổi đời đến hơn 100 tuổi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện xây dựng dự án bảo tồn và phát triển, mở rộng vùng chè cổ thụ của huyện, tăng cường quảng bá tiêu thụ sản phẩm chè, đồng thời phát triển du lịch sinh thái.