Giám đốc Sở Du lịch – Hà Văn Thắng khẳng định: Bắc Hà có nhiều nét riêng, hấp dẫn, hội tụ các yếu tố để trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Có thể kể đến chợ văn hóa Bắc Hà với những nét nguyên sơ của chợ văn hóa vùng cao được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) đánh giá là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; dinh thự cổ Hoàng A Tưởng – trung tâm duy nhất trên thế giới diễn giải về nghệ thuật kiến trúc của 2 nền văn hóa Á – Âu. Bắc Hà còn sở hữu hàng trăm di tích, di sản, trong đó có 1 di sản của nhân loại (nghi lễ kéo co của người Tày, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai), 4 di sản cấp quốc gia (cây nghiến 1.000 tuổi ở xã Cốc Ly; nghệ thuật múa xòe Tà Chải; nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Mông hoa; lễ hội đua ngựa truyền thống); 4 di tích cấp quốc gia (đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng), 1 di tích cấp tỉnh (đồn Bắc Hà)…
Với những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, Bắc Hà đang trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Năm 2019 – năm đỉnh cao về lượng khách du lịch đến Lào Cai – huyện Bắc Hà đón khoảng 450.000 lượt du khách. Sau gần 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, lượng khách đến Bắc Hà tăng vọt, năm 2022, dù còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi sau đại dịch nhưng lượng khách đến Bắc Hà đã tiệm cận con số năm 2019. “Điều đó càng khẳng định giá trị và sức hút của Bắc Hà đối với du khách, đồng thời cũng đòi hỏi phải có hướng đi mới, cách làm sáng tạo để khai thác nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc của địa phương phục vụ phát triển du lịch và Bắc Hà đang tập trung, quyết tâm hiện thực hóa điều này”, ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà nói.
Để Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc thì phải tìm được những nét riêng có, khác biệt, vượt trội những khu du lịch khác. Đây là vấn đề được đưa ra tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Hà mới đây. Tại buổi làm việc này, các đại biểu cho rằng, huyện Bắc Hà cần khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương cho phát triển, trong đó du lịch là đột phá; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc và thường xuyên tổ chức các lễ hội có tính đặc trưng của huyện.
Theo đó, Bắc Hà xác định phát triển 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu “Cao nguyên trắng”. Đó là xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng theo hướng đặc sắc, bền vững, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; đảm bảo lợi ích của cộng đồng, người dân bản địa góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, có phương án bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các địa bàn có tài nguyên du lịch, như Bản Liền, Hoàng Thu Phố, Tà Chải, Bản Phố, Tả Van Chư.
Bắc Hà – điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm. |
Xây dựng các sản phẩm du lịch lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp thông qua thu hút các dự án đầu tư lớn về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm.
Xây dựng Festival “Cao nguyên trắng” Bắc Hà thành sản phẩm du lịch đặc sắc, theo chủ đề 4 mùa, bao gồm nhiều hoạt động chính và phụ trợ…
Đổi mới hình thức tổ chức hoạt động chợ văn hóa Bắc Hà trở thành sản phẩm du lịch chợ phiên đặc sắc khu vực và thế giới, theo các chủ đề: “Nghiêng say chợ đêm”, “Nghiêng say chợ phiên”, “Chủ nhật – trên cao nguyên”… Cùng với đó, khảo sát, tư vấn xây dựng kịch bản cho không gian và bối cảnh của sản phẩm du lịch đặc sắc “Ký ức đêm trắng Bắc Hà” diễn ra vào chiều, tối thứ 5, 6, 7 hằng tuần, nhằm phát triển kinh tế đêm.
Phong cảnh thiên nhiên thơ mộng là điểm cộng của Bắc Hà đối với du khách. |
Nâng tầm quy mô giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà trở thành sự kiện quy mô cấp khu vực, được đưa vào thành sự kiện thường niên của du lịch Việt Nam.
Phát triển các cụm du lịch cộng đồng đặc sắc mang thương hiệu riêng của Bắc Hà, “đốn tim” du khách như Bản Phố, Tà Chải, Bản Liền, Hoàng Thu Phố…
Xây dựng sản phẩm du lịch nghệ thuật đặc sắc “Cao nguyên huyền thoại” gắn với “Huyền thoại dinh thự kiến trúc nghệ thuật Hoàng A Tưởng” thành chương trình giới thiệu về du lịch Bắc Hà thông qua nghệ thuật nhằm biểu đạt lịch sử về vùng đất, con người thân thiện, mến khách, tài năng…
Phát triển sản phẩm du lịch kết nối Bắc Hà với Xín Mần (Hà Giang) và Mường Khương, Si Ma Cai, nhằm mở rộng không gian du lịch vùng Đông Bắc gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nông nghiệp.
Tổ chức sản phẩm du lịch thể thao mới theo tư vấn của các chuyên gia của vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp)…
Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hình thành các vùng trà hữu cơ với các thương hiệu, như trà cổ thụ Hoàng Thu Phố “Hương vị Núi tiên”, trà Shan Bản Liền “Hương vị ngàn năm”.
Với các nhóm sản phẩm đặc sắc, khác biệt, du lịch Bắc Hà không chỉ có tính cạnh tranh trong tỉnh mà còn của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách.