Bức tranh thung lũng Mường Hoa. |
Phóng viên: Trong 5 năm qua, ngành du lịch – dịch vụ Sa Pa được đánh giá có bước đột phá đáng tự hào, cụ thể điều đó như thế nào, thưa đồng chí Chủ tịch UBND thị xã?
Đồng chí Vương Trinh Quốc: Trong 5 năm qua, thị xã Sa Pa đã có bước tiến vượt bậc về du lịch, dịch vụ, thương mại, mức tăng trưởng không chỉ là tốc độ mà còn cả quy mô, giá trị và chất lượng. Cụ thể, tăng trưởng du lịch bình quân đạt 20%/năm, doanh thu lĩnh vực đạt 9.300 tỷ đồng (năm 2019), vượt 121% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII. Cũng trong năm 2019, thị xã Sa Pa đón trên 3,2 triệu lượt khách, giá trị thương mại – dịch vụ đạt 5.822 tỷ đồng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 4.628 tỷ đồng.
Đến nay, thị xã Sa Pa có hơn 310 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng 113 cơ sở so với năm 2015. Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có quy mô lớn được triển khai, trong đó một số cơ sở đã đi vào hoạt động như khu du lịch dịch vụ Cáp treo Fansipan, khách sạn Silk Parth (5 sao), khách sạn Việt Pháp (4 sao), khách sạn Pao’s. Du lịch cộng đồng cũng có bước phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng; sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, các chương trình, sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa như “Lễ hội bốn mùa” đã trở thành sản phẩm thương hiệu mạnh của du lịch Sa Pa. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được cải thiện, hiện có 8.000 lao động hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch, trong đó có hơn 2.000 người được đào tạo bài bản.
Phóng viên: Thời cơ phát triển du lịch tại Sa Pa trong những năm qua là khá rõ ràng, thị xã Sa Pa đã có giải pháp gì để tận dụng?
Đồng chí Vương Trinh Quốc: Ngay sau khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác (cuối năm 2014), tiếp đó là các dự án về du lịch lớn tại Sa Pa hoàn thành, thị xã Sa Pa đã kịp thời có những điều chỉnh về chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển nhằm nắm bắt và đón thời cơ. Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn nội lực cho phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch. Đồng thời phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề và tạo việc làm…
Trang trại nuôi cá tầm ở Séo Mý Tỷ (xã Tả Van). |
Kết quả là trong 5 năm qua, thị xã đã thu hút, huy động hơn 59.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, mức tăng trung bình 11%/năm. Nhờ đó, hạ tầng đô thị có nhiều khởi sắc, nhiều công trình trọng điểm tạo điểm nhấn cho đô thị du lịch đã hoàn thành hoặc đang triển khai (Công viên văn hóa Mường Hoa, Công viên văn hóa Sa Pa). Các tuyến giao thông kết nối vùng được xúc tiến đầu tư như: Đường tránh Quốc lộ 4D, Tỉnh lộ 152, đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa, đường kết nối các điểm du lịch cộng đồng.
Phóng viên: Địa danh Sa Pa vốn đã rất nổi tiếng, cụm từ “Khu Du lịch quốc gia Sa Pa“ được nhắc đến từ khi nào và nói lên điều gì, thưa đồng chí Chủ tịch UBND thị xã?
Đồng chí Vương Trinh Quốc: Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1845/QĐ- TTg về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Một năm sau, ngày 1/12/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định 1927/QĐ-TTg về việc công nhận Sa Pa là khu du lịch quốc gia. Đến ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.Những văn bản trên vừa là cơ sở để địa phương tổ chức quản lý, xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển, vừa là cơ hội quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút du khách đến với Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Không dừng lại là khu du lịch quốc gia thông thường, tại Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu trong giai đoạn tới là “đưa thị xã Sa trở thành địa phương phát triển toàn diện, là khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế”.
Mục tiêu cụ thể đề ra là phấn đấu tốc độ tăng trưởng nền kinh tế địa phương (GRDP) trong những năm tới đạt mức trung bình 14,5%/năm, thu nhập bình quân của người dân đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 6%. Tỷ trọng ngành du lịch – dịch vụ chiếm 62% cơ cấu nền kinh tế, thị xã sẽ đón 5,8 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 27 nghìn tỷ đồng vào năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tới năm 2025 đạt 12 nghìn tỷ đồng; thu hút nguồn lực đầu tư trong 5 năm tới đạt 65 nghìn tỷ đồng.
Phóng viên: Để thực sự trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế, Sa Pa sẽ làm những gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Vương Trinh Quốc: Những năm tới, thị xã Sa Pa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ, tiếp tục coi là ngành kinh tế trung tâm, lấy du lịch làm lĩnh vực đột phá. Trong đó, tập trung phát triển không gian kiến trúc và đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; thực hiện đồng bộ quy hoạch du lịch, kết hợp bảo vệ cảnh quan tự nhiên. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư lớn, phát triển các loại hình du lịch để hấp dẫn hơn du khách.
Du lịch – thương mại chỉ có thể là trọng tâm khi có tác động tích cực và trực tiếp đến tốc độ phát triển, cơ cấu nội ngành một số lĩnh vực như sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư và chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm. Ví dụ, đối với nông nghiệp là việc hình thành các vùng chuyên canh rau chất lượng cao, cây ăn quả, sản xuất dược liệu, phát triển chăn nuôi sản phẩm đặc hữu để phục vụ nhu cầu của thị trường tại chỗ.
Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa trong những năm tới là phấn đấu phát triển đồng bộ, toàn diện các chỉ tiêu chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa để thực sự xứng tầm khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế, khu du lịch đạt tiêu chuẩn “đô thị sạch ASEAN”…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND thị xã đã trả lời phỏng vấn!