Hoa văn trang mục Mông được nhà thiết kế Vũ Việt Hà kết hợp cùng áo dài. |
Mở màn show diễn là bộ sưu tập độc đáo của nhà thiết kế Vũ Việt Hà, người một đời mê đắm thổ cẩm Tây Bắc, mê vải lanh cùng họa tiết thổ cẩm của người Mông Lào Cai, cùng tiếng kèn môi da diết, tiếng đàn nhị ngân rung trầm ấm và giọng hát Ngô Hồng Quang cùng ca khúc “Giấc mơ trên lưng” chất liệu âm nhạc Mông…
Người Mông rất cầu kỳ và tinh tế trong việc lựa chọn hoa văn thêu trên trang phục. |
Thổ cẩm là thước đo công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, thổ cẩm không chỉ là trang phục, mà còn là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng; là tình yêu trao gửi bao đời… Với người Mông, vải lanh đã trở thành tín hiệu nhận biết cội nguồn. Sự cầu kỳ, tinh tế kỹ lưỡng trong từng hoa văn không chỉ chứa đựng tính thẩm mỹ mà còn là nét tâm linh truyền thống của dân tộc có từ xa xưa… Ngày nay, phụ nữ Mông vẫn giữ gìn bản sắc qua trang phục độc đáo của họ, vẫn trồng lanh dệt vải, thêu thùa.
Trang phục người Dao có màu đỏ rực rỡ làm chủ đạo. |
Bộ sưu tập thời trang thổ cẩm dân tộc Dao- nhà thiết kế DavidMinh Đức đem khán giả đến gần hơn với những màu sắc hoa văn đặc trưng với màu đỏ tươi rực rỡ làm chủ đạo: khăn đỏ, bông trên ngực áo, cổ áo…
Trang phục người Giáy thường có màu xanh, đỏ, vàng, hồng. |
Bộ sưu tập thời trang thổ cẩm dân tộc Giáy – nhà thiết kế Trần Thanh Mẫn được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống rất đặc biệt của dân tộc Giáy. Các họa tiết có nhiều nét đặc sắc, khác với các dân tộc khác. Cúc áo thường dùng là cúc vải, trên trang phục ít có các họa tiết sặc sỡ, ít thêu thùa, có các băng vải xanh, đỏ, vàng… viền quanh cổ, viền quanh vạt áo.
Nhà thiết kế Minh Minh gây ấn tượng với bộ sưu tập thời trang thổ cẩm Thái. |
Quần áo của vợ chồng người Thái thường thêu hình con rái cá – vật tượng trưng cho tình yêu sắt son, gia đình hạnh phúc. Trang phục của phụ nữ nổi bật với chiếc áo “xửa cỏm” ngắn, bó sát người, với hai hàng cúc hình con bướm hoặc hình hoa, hình rùa, bằng bạc hay kim loại, tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, sự hài hòa âm dương. Cùng với những “khút piêu” trên khăn piêu của phụ nữ Thái, tượng trưng cho trời và mảng thêu vuông ở đầu khăn tượng trưng cho đấ, khăn piêu cũng liên quan đến mô típ hoa ban gắn với tình yêu của cô gái xinh đẹp tên là Ban với một chàng trai nghèo tên là Khum. Và nhà thiết kế Minh Minh – cô gái thành thị, bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của chiếc khăn vùng cao, được thêu tinh tế vào trang phục trong bộ sưu tập của mình.
Thổ cẩm Lan Rừng khéo léo đưa hoa văn trang phục người Nùng lên thời trang hiện đại. |
Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Thổ cẩm Lan Rừng khéo léo kết hợp trên những bộ trang phục hiện đại, có tính thẩm mỹ cao. Các mẫu hoa văn trang phục người Nùng luôn có tông màu trầm, nhưng lại có sức lôi cuốn, đặc biệt bởi các đường nét thêu vô cùng cầu kỳ và đẹp mắt.
Trang phục của nhà thiết kế Xuân Nguyễn lấy cảm hứng từ thổ cẩm người Hà Nhì. |
Nét đặc trưng trong trang phục của người Hà Nhì chính là mái tóc và chiếc khăn đội đầu đã được nhà thiết kế Xuân Nguyễn thể hiện khéo léo trong Bộ sưu tập Thời trang thổ cẩm dân tộc Hà Nhì, thể hiện truyền thống trồng bông, dệt vải và tự làm ra trang phục của mình, mang những nét đặc trưng riêng của dân tộc Hà Nhì.
Bộ sưu tập của nhà thiết kế Duy Nguyễn lấy ý tưởng từ hạt nút cúc của trang phục người Tày và xà tích bạc. |
Vẻ đẹp của trang phục phụ nữ Tày còn nhờ vào sự độc đáo của những bộ trang sức. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản, song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích… Bộ sưu tập của nhà thiết kế Duy Nguyễn lấy ý tưởng từ hạt nút cúc của trang phục người Tày và xà tích bạc, dòng thác bạc, thác tình yêu và những ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp. Dây bao dao từ xa xưa được các cô gái Tày coi là món quà quý, được nhiều cô gái gửi gắm tâm tình của mình dành tặng cho người con trai mà họ yêu mến.
Trang phục dân tộc Xa Phó ấn tượng bởi sự cầu kỳ, tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật. |
Trang phục dân tộc Xá Phó ấn tượng bởi sự cầu kỳ, tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật, làm thủ công với vải bông tự dệt, tự thêu có nhuộm chàm đen. Trang phục phụ nữ được trang trí hoa văn sặc sỡ, hạt cườm được khâu vào áo người Xá Phó rất cầu kỳ, các hoa văn màu da con trăn hay đường trâu đi, ở giữa là hoa văn hình tam giác hay hình thoi có màu trắng, xanh, đỏ, chủ yếu là gam màu nông; vượt khỏi sắc màu thiên nhiên, phản ánh thẩm mỹ và tính mỹ thuật rất cao, cho thấy được khát vọng sống mãnh liệt, thể hiện thông qua bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xá Phó được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ sưu tập thời trang thổ cẩm dân tộc Xá Phó – Nhà thiết kế Quang Huy là cái kết trọn vẹn, đầy ấn tượng cho màn trình diễn thời trang nghệ thuật “Thổ cẩm – Câu chuyện tình yêu” tại Lễ Khai mạc Festival “Tinh hoa Tây Bắc – Hương sắc Lào Cai”.