Cuối tháng 5/2021, người dân huyện Bắc Hà vui mừng, tự hào khi nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa và Lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những di sản mà chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện mất nhiều công sức giữ gìn, bảo tồn, phục dựng để phục vụ phát triển du lịch.
Sinh ra và lớn lên tại xã Bản Phố, bà Vàng Thị Cở, thôn Bản Phố 2, từ lúc 12 tuổi đã được gia đình truyền dạy cách se lanh, dệt vải và may trang phục của dân tộc Mông hoa. Thế nhưng, phải đến khi hơn 20 tuổi, bà mới có thể thành thạo tất cả các công đoạn để làm nên một bộ trang phục hoàn chỉnh của dân tộc mình.
Bà Vàng Thị Cở (giữa ảnh) trình diễn thêu hoa văn trang phục người Mông hoa tại Lễ hội mùa Đông huyện Bắc Hà. |
Bà Cở chia sẻ, trang phục truyền thống của người Mông hoa được người phụ nữ tự tay làm tất cả các công đoạn, từ trồng lanh, dệt vải, nhuộm màu, cắt vải, in sáp đến thêu hoa văn và may thành trang phục. Với người Mông hoa, chỉ có trang phục của phụ nữ là có nhiều hoa văn, chi tiết cầu kỳ. Mỗi bộ trang phục gồm nhiều chi tiết, như khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp… được thêu những hoa văn, họa tiết tinh tế. Chính những hoa văn, họa tiết được kết hợp hài hòa trên trang phục của người Mông hoa đã tạo nên vẻ đẹp và giá trị riêng có.
Những người biết làm trang phục dân tộc Mông hoa ở Bản Phố như bà Cở đến nay không còn nhiều. Vậy nên cứ mỗi dịp huyện Bắc Hà tổ chức lễ hội, bà Cở thường được mời tới biểu diễn cách làm trang phục của người Mông hoa cho người dân và du khách tìm hiểu. “Tôi rất vui vì được giới thiệu cách làm trang phục của dân tộc mình đến du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá và phát triển du lịch” – bà Cở tâm sự.
Là người thuộc thế hệ trẻ, chị Lý Thị Vừ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Phố rất tự hào khi nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chị Vừ cho biết: Tôi rất mong bộ trang phục và cách làm trang phục của dân tộc Mông hoa được nhiều người biết đến. Hiện nay, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp đoàn viên, thanh niên biết và giữ gìn tinh hoa của dân tộc mình. Mặc dù chưa có khả năng làm một bộ trang phục hoàn chỉnh, nhưng tôi sẽ cố gắng học.
Nhờ nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Mông hoa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mà giá trị của trang phục người Mông Hoa được nâng lên tầm cao mới, là nền tảng để người dân huyện Bắc Hà có thể phát triển du lịch. Hiện nay, nhiều homestay trên địa bàn huyện Bắc Hà sử dụng hoa văn thổ cẩm trên trang phục người Mông hoa để trang trí. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo ấn tượng và thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà.
Một điều dễ nhận thấy, các sự kiện văn hóa do huyện Bắc Hà tổ chức đều được du khách trong và ngoài tỉnh đón nhận, ủng hộ. Ngay ở thời điểm du lịch trầm lắng, Lễ hội mùa đông Bắc Hà 2021 vẫn đón rất đông du khách. Đặc biệt, màn đua ngựa của những “kỵ sỹ nông dân”, chương trình văn nghệ, những mâm cơm đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Bắc Hà được du khách thích thú.
Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc và đều giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đó là nguồn tài nguyên vô tận đối với việc phát triển du lịch bền vững. Việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc những năm qua đã được ngành du lịch huyện chú trọng. Trong 33 sản phẩm du lịch huyện Bắc Hà đang khai thác, có 20 sản phẩm được phát triển dựa vào con người và các giá trị văn hóa truyền thống, tập trung vào nhóm: Lễ hội truyền thống, làng du lịch cộng đồng, chợ phiên…; chỉ có 13 sản phẩm được khai thác dựa trên tiềm năng thiên nhiên.
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà khẳng định: Phát triển du lịch bền vững dựa vào bản sắc văn hóa các dân tộc là hướng đi được huyện Bắc Hà chú trọng trong giai đoạn tới. Với nền tảng sẵn có, chúng tôi tiếp tục bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Huyện đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch Bắc Hà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2050, với nhiều sản phẩm ấn tượng, như du lịch chợ phiên gắn với ẩm thực Bắc Hà; du lịch lễ hội và di sản; sinh thái, nông nghiệp; cộng đồng làng bản; du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch làng nghề…
Với chiến lược phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc, huyện Bắc Hà có thể đạt mục tiêu thu hút 1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2025.