Thôn Phìn Hồ nằm cách trung tâm xã Y Tý khoảng 10km. Vào những ngày cuối tuần, từng đoàn ô tô, xe máy từ thành phố Lào Cai và các tỉnh đưa du khách về đây để chuẩn bị cho một hành trình hấp dẫn, đó là khám phá đỉnh núi Lảo Thẩn cao 2.860m so với mực nước biển.
Anh Sùng A Hờ, chủ một lán nghỉ phục vụ du khách leo núi Lảo Thẩn cho biết: “Lán nghỉ của tôi hiện nay đáp ứng được khoảng 80 lượt khách mỗi tối và phục vụ luôn cả nhu cầu ăn, uống của du khách. Trên đỉnh Lảo Thẩn hiện có 3 lán phục vụ du khách leo núi. Vào mùa leo núi từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, tuần nào các lán cũng đều có khách, có tuần đông quá chủ lán không dám nhận thêm vì sợ quá tải không phục vụ khách được chu đáo”.
Ngoài Lảo Thẩn, trên địa bàn huyện Bát Xát còn có 3 đỉnh núi khác cũng là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách đam mê chinh phục núi. Những đỉnh núi này đều cao trên dưới 3.000m, có phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ, với rừng già nguyên sinh, những dòng suối trong vắt, những cây đỗ quyên cổ thụ nở hoa rực rỡ vào mỗi độ tháng 3, tháng 4.
Chị Nguyễn Thị Ánh Huyền, một du khách đến từ Đà Lạt chia sẻ trên nhóm Facebook “Hội đam mê leo núi”: Sau chuyến chinh phục đỉnh núi Ky Quan San (3 ngày 2 đêm) tôi quyết định tiếp tục chinh phục đỉnh Lảo Thẩn – “ Nóc nhà Y Tý”. Chuyến đi tuy vất vả nhưng bù lại hai đỉnh núi đều có nhiều điểm dừng chân chụp ảnh rất thơ mộng. Từ trên đỉnh núi có thể thả hồn ngắm biển mây bồng bềnh, ngắm mặt trời mọc hoặc hoàng hôn trên núi tuyệt đẹp. Tôi rất vui vì sau chuyến đi có nhiều trải nghiệm thú vị và những bộ ảnh đẹp khoe với bạn bè”.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bát Xát thì trong 3 tháng đầu năm 2022, địa phương này đón 24.000 lượt khách du lịch, trong đó khách leo núi khoảng 1.500 lượt.
Loại hình du lịch chinh phục các đỉnh núi cao phát triển không chỉ giúp du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, mà chính người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Trên các tuyến leo núi dần hình thành các lán nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú qua đêm và nhu cầu ăn, uống của du khách.
Anh Sùng A Trừ, chủ một lán nghỉ trên núi Ky Quan San cho biết: Nhờ phục vụ du khách leo núi mà gia đình tôi có thêm thu nhập. Mỗi du khách nghỉ tại lán sẽ trả tiền ngủ 100.000 đồng/tối và tiền ăn, uống theo nhu cầu. Tùy theo lượng khách, trừ các chi phí, thu nhập của chủ lán mỗi tháng có thể được 5 -7 triệu đồng, có khi được chục triệu đồng.
Khách du lịch đến với Bát Xát ngày càng nhiều cũng góp phần giúp bà con tiêu thụ nông sản. Nhiều người dân không thể đi làm ăn xa do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống từ việc làm porter và hướng dẫn khách leo núi.
Hoạt động du lịch, trong đó có du lịch leo núi đang góp phần làm thay đổi bức tranh vùng cao huyện Bát Xát, nhất là ở các xã có nhiều tiềm năng như Y Tý, Sàng Ma Sáo. Hiện nay, tại 2 xã có gần 20 homestay đón khách du lịch, hàng chục người chuyên tổ chức các đoàn leo núi và khoảng 150 người làm nghề porter. Du lịch phát triển cũng góp phần giúp người dân bản địa nâng cao nhận thức, chuyển dần từ làm nông nghiệp sang phát triển du lịch, dịch vụ, có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách.
Loại hình du lịch chinh phục các đỉnh núi cao trên địa bàn huyện Bát Xát đang ngày càng hấp dẫn du khách và bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng đang kéo theo nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 6/3/2021, khi trên nhóm Facebook mang tên “Hội đam mê leo núi” có thành viên phản ánh câu chuyện bức xúc vì lán A Hờ trên núi Lảo Thẩn đón quá đông khách nên việc phục vụ ăn, nghỉ chưa đảm bảo. Buổi tối, một số du khách phải ngủ dưới nền lán, dẫn đến tranh chấp, cãi vã. Cũng do lượng khách đông, thiếu chỗ ngủ nên một số porter đã phải ngủ ở hang đá, không đảm bảo an toàn.
Sau đó ít lâu, trên núi Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo) cũng xảy ra việc một du khách bức xúc khi nghỉ đêm tại một lán trên núi và bị mất điện thoại di động. Những câu chuyện như vậy đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch địa phương.
Theo anh Sùng A Trừ, một chủ lán và cũng là người chuyên dẫn khách leo núi các tuyến Ky Quan San, Nhìu Cồ San thì còn có một vấn đề khác, đó là ý thức của một số porter, người dân và du khách còn hạn chế nên vẫn xả rác tại các điểm dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường lên núi. Mặc dù anh Trừ và tổ porter của mình đã làm sọt rác, đóng một số biển chỉ dẫn trên đường lên núi nhưng chỉ được một thời gian lại bị phá hỏng. Vào mùa hoa đỗ quyên, không ít du khách còn chặt cành, bẻ hoa để chụp ảnh.
Liên quan đến việc bảo vệ rừng, hầu hết các đỉnh núi có đông du khách tới tham quan đều thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Thời gian vừa qua, nhiều du khách leo núi Lảo Thẩn bày tỏ sự bức xúc và nuối tiếc khi một cây gỗ có dáng đẹp, là điểm chụp ảnh hấp dẫn trên núi Lảo Thẩn đã bị người dân chặt làm củi để sấy xuyên khung; hay khu rừng tống quá sủ trên đường leo núi Lảo Thẩn bị tàn phá, nhiều cây bị bóc vỏ cho chết dần để phục vụ lợi ích cá nhân.
Những cánh rừng cổ thụ trên núi Lảo Thẩn đang bị xâm hại |
Ngoài những vấn đề trên, việc phát triển các lán đón khách trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cũng cần được quan tâm để đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của người dân, việc phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Vấn đề liên kết, phối hợp giữa những người làm du lịch leo núi cũng rất đáng quan tâm. Được biết, mấy năm trước trên núi Lảo Thẩn đã từng xảy ra việc người này đốt lán của người kia do mâu thuẫn cá nhân.
Bàn về những khó khăn, bất cập của việc phát triển du lịch leo núi trên địa bàn, ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Thời gian gần đây, để khắc phục tình trạng du khách xả rác trên đường leo núi Lảo Thẩn, xã Y Tý đã thành lập Tổ tự quản về du lịch leo núi với thành viên là các porter và người dẫn đường địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của Tổ vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì không có kinh phí chi trả cho các thành viên để duy trì hoạt động. Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền và cảnh báo, nhưng trên đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, nhiều du khách vẫn bất chấp nguy hiểm, leo ra các mỏm đá chênh vênh để chụp ảnh, nếu không may ngã xuống dưới thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Theo ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo thì khó khăn lớn nhất đối với việc phát triển du lịch leo núi của xã là loại hình du lịch này hiện chưa được đầu tư tương xứng. Các đỉnh núi cũng chưa được công nhận là điểm du lịch và việc khai thác hầu như không đem lại nguồn thu cho địa phương. Hiện nay tuyến đường 7km từ trung tâm xã vào thôn Nhìu cồ San vẫn là đường cấp phối đi lại rất khó khăn nên gây nhiều trở ngại cho du khách đến đây tham quan, chinh phục các đỉnh núi cao.
Trước những vấn đề đang đặt ra đối với du lịch leo núi trên địa bàn huyện Bát Xát, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, quản lý, khai thác hiệu quả loại hình du lịch này?
Anh Sùng A Trừ, chủ một lán nghỉ trên núi Ky Quan San kiến nghị trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, phối hợp với ngành văn hóa, du lịch để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ những người làm nghề porter và dẫn khách leo núi. Đối với các chủ lán nghỉ trên núi, anh Trừ cũng mong muốn được chính quyền địa phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát tạo điều kiện thuận lợi để tu sửa lán, giúp du khách có chỗ ăn, nghỉ tốt hơn.
Ky Quan San với vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng. |
Ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý thì cho rằng: Để quản lý tốt việc du khách đến leo núi thì ngoài việc báo cáo số lượng khách lưu trú, các chủ lán cũng cần xây dựng nội quy, bảng giá để đảm bảo sự công khai, minh bạch. Việc cắm các biển chỉ dẫn đường, cảnh báo nguy hiểm tại một số điểm checkin cũng rất cần thiết.
Về phía ngành văn hóa huyện Bát Xát, ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Xác định phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực đột phá, huyện Bát Xát đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2020 -2025. Năm 2022, địa phương đặt mục tiêu đón 85.000 lượt khách; Số ngày lưu trú bình quân là 1,7 ngày/người; Chi tiêu bình quân 700.000 đồng/người/ngày; Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng trên 100 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đề nghị tỉnh công nhận điểm du lịch đối với các đỉnh núi Lảo Thẩn và Ky Quan San.
Cũng theo ông Tâm, một nội dung đáng quan tâm khác là ngành du lịch tỉnh cần kiểm soát, kiểm tra các công ty du lịch, lữ hành trong việc mua bảo hiểm cho khách khi tham gia các hoạt động leo núi. Các công ty lữ hành cũng phải phổ biến đến du khách những quy định, kiến thức, kĩ năng cần thiết để du khách hiểu và chủ động thực hiện tốt nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia du lịch leo núi.
Trao đổi với phóng viên về định hướng phát triển sản phẩm du lịch chinh phục các đỉnh núi cao, bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch leo núi, địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu “Bát Xát – Thiên đường của du lịch dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”, nổi bật là sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao”. Huyện cũng duy trì tổ chức Giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn; nghiên cứu đề xuất tổ chức Giải leo núi chinh phục đỉnh Ky Quan San; đầu tư xây dựng mới tuyến leo núi chinh phục đỉnh Pu Ta Leng (xuất phát từ xã Trung Lèng Hồ) để khám phá hệ sinh thái rừng, thác nước, hoa đỗ quyên…”
Du khách trên đường chinh phục đỉnh Ky Quan San. |
“Ngày 31/3/2018 UBND tỉnh đã có Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND, ban hành quy định một số nội dung về quản lý hoạt động du lịch trong đó có du lịch mạo hiểm, du lịch leo núi. Căn cứ vào Quyết định này, huyện Bát Xát đang chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh liên quan đến du lịch leo núi.
Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch trong các khu bảo tồn thiên nhiên, ngày 10/3/2022, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 893, giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Các đề án này sẽ giúp cho việc phát triển du lịch trong các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh trở nên bền vững hơn.
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: “Hằng năm, đơn vị đều tổ chức làm việc với các nhóm hộ làm du lịch leo núi và yêu cầu các hộ liên quan, các chủ lán ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, khi dẫn khách du lịch không xả rác ra rừng. Thời gian gần đây, chúng tôi tích cực tuyên truyền một số thôn, bản ở xã Sàng Ma Sáo được hưởng phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng chuyển từ đun bếp củi sang bếp ga để giảm áp lực lên rừng”.
Cùng với các giải pháp nêu trên thì để khai thác tốt thế mạnh về du lịch leo núi của huyện Bát Xát nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung, thiết nghĩ cần thu hút thêm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các công ty lữ hành cùng tham gia vào việc xây dựng sản phẩm du lịch này, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền – doanh nghiệp – người làm du lịch và người dân địa phương để các bên cùng có quyền lợi và trách nhiệm. Đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đưa ngành kinh tế du lịch địa phương, trong đó có du lịch leo núi phát triển theo hướng bền vững.