3 năm gần đây, xã Tả Van Chư dần trở thành địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch Bắc Hà. Là một trong những gia đình có vườn mận lớn ở Tả Van Chư, ông Vàng Seo Pao cho biết: Trước kia tôi trồng mận chỉ mong có quả ngon để ăn, sau đó thấy quả bán được giá nên gia đình mở rộng diện tích trồng.
Với hơn 200 gốc mận, mỗi vụ, gia đình ông Pao thu hàng chục triệu đồng. Những năm gần đây, khi mận nở hoa, rất đông du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh. Nguồn thu không chỉ từ bán quả, mà gia đình còn có thêm thu nhập khi bán vé cho khách vào “check-in”. Mùa mận nở hoa, gia đình ông mua thêm hơn chục bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông cho du khách thuê chụp ảnh, cao điểm có ngày vườn mận đón 200 – 300 lượt khách. Mỗi lượt thuê trang phục 50 nghìn đồng, mỗi lượt khách vào vườn mận, gia đình thu thêm 20 nghìn đồng. Vậy là ngoài bán mận, mỗi mùa hoa nở, gia đình ông có thêm nguồn thu khoảng 20 triệu đồng.
Những năm gần đây, “cao nguyên trắng” Bắc Hà không chỉ hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hóa vùng cao, nét đặc sắc của chợ phiên, mà còn có điểm trải nghiệm mới. Đó là những mùa hoa, mùa quả đặc trưng của nông nghiệp tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới. Kiểu khí hậu này mang lại cho Bắc Hà những lợi thế trong việc trồng và phát triển diện tích các loại cây mận, lê, những loài cây đặc hữu tạo nên thương hiệu của địa phương.
Lên “cao nguyên trắng” không chỉ có hoa mận, hoa lê mà còn có hoa anh đào, hoa của các loài dược liệu, các mùa hoa cứ nối tiếp mùa hoa. Bắc Hà còn được biết đến là thủ phủ mận tam hoa. Hằng năm, hoạt động trải nghiệm và khám phá vườn mận tam hoa cũng thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng nghìn du khách khi đến mảnh đất này. Các xã Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Thải Giàng Phố… có gần 700 ha mận tam hoa. Đến mùa mận chín, du khách có cơ hội được trải nghiệm hái mận, thưởng thức những quả mận tươi ngon và mua về làm quà.
Du khách lưu giữ những bức hình đẹp tại mùa cải vàng ở Kale Farm. |
2 năm nay, Hmong heritage homestay của gia đình chị Giàng Thị Tang ở thôn Lồ Lao Chải, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) trở thành điểm thu hút đông du khách. Chị Tang cho biết: Vì chỉ trồng 1 vụ lúa nên thời gian còn lại trong năm, ruộng bỏ hoang. Để tận dụng diện tích ruộng sau khi thu hoạch xong lúa 1 vụ, cuối tháng 11, gia đình tôi trồng gần 2 ha cải dầu trên những thửa ruộng phía dưới homestay. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, ruộng cải dầu nở hoa vàng rực rỡ, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh.
Không dừng lại ở việc chỉ sử dụng các sản phẩm “cây nhà lá vườn” để thu hút du khách, những năm gần đây, tại Bắc Hà, Sa Pa hoặc Bảo Yên đã xuất hiện những mô hình du lịch nông nghiệp sáng tạo, chuyên nghiệp, được nhiều du khách biết đến.
Kale Farm trở thành điểm “check-in” thu hút du khách. |
Cuối năm 2020, anh Giàng Quáng Tiên, thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) kết hợp với bạn bè thuê đất trồng cải xoăn. Đến nay, vườn cải rộng 3 ha đang cho thu hoạch. Với tên gọi Kale farm – nơi này được coi là cánh đồng sạch với tiêu chí “5 không”: Không thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen. Kale farm chủ yếu trồng cải xoăn, một diện tích nhỏ dâu tây và cải dầu. Mỗi tháng, vườn cải thu được 9 tấn rau, xuất bán ra thị trường trong tỉnh và Hà Nội. Kale farm còn mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, Kale farm thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh, hái dâu tại vườn. Anh Giàng Quáng Tiên cho biết: Hầu hết khách đến Kale farm tỏ ra thích thú khi được tự tay thu hoạch cải xoăn, hái dâu, chụp ảnh. Vườn đã xây dựng thêm những tiểu cảnh, xếp đá trên đường đi để tạo cảnh quan cho du khách check-in.
Ngoài Kale farm, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình du lịch nông nghiệp thú vị, như vườn dâu tây ND Family (Sa Pa), trải nghiệm du lịch sinh thái quế ở Bảo Yên… Các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái phát triển mạnh, được du khách yêu thích, như mô hình trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của HTX địa lan Tả Phìn (thị xã Sa Pa); mô hình trồng hoa hồng tại Bắc Hà; đồi chè Linh Dương tại thành phố Lào Cai…
Với đặc điểm của từng địa phương, các nhà vườn có cách làm khác nhau, tạo nên những địa điểm hấp dẫn níu chân du khách bởi sự sáng tạo, khiến nhiều du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có khi là cảm giác yên bình giữa những thửa ruộng bậc thang mênh mông, có khi lại thơ mộng giữa đồi chè xanh mơn mởn, cũng có khi đưa du khách tới những khu vườn trái cây ngọt lành, hoặc để du khách lạc giữa rừng hoa đào, hoa mận tinh khôi…
Loại hình du lịch nông nghiệp đang là hướng đi đầy triển vọng. Chính vì thế, thời gian gần đây, tỉnh quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển loại hình du lịch này.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Tiêu biểu như mô hình trồng dâu tây của Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa); mô hình trồng cải kale ở xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà); mô hình trải nghiệm vườn lê xã Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai)… Các mô hình du lịch nông nghiệp góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị canh tác, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Ðể thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tỉnh Lào Cai ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại các địa phương. Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan; ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Các sản phẩm của nông nghiệp còn được phát triển thành những sản vật có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của du khách khi tới Lào Cai, như tương ớt Mường Khương, gạo Séng cù, lạp xường, thịt trâu sấy, chè Tuyết shan… Nhiều địa phương còn khéo léo lồng ghép các sản phẩm nông nghiệp vào các hoạt động lễ hội, như lễ hội sắc mận cao nguyên trắng Bắc Hà, lễ hội rượu Bát Xát, lễ hội quýt Mường Khương…
Các sản phẩm từ nông nghiệp được quảng bá tại các sự kiện xúc tiến du lịch. |
Tại Si Ma Cai, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng được 3 mô hình du lịch gắn với nông nghiệp ở xã Lùng Thẩn và xã Quan Hồ Thẩn. Theo ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Si Ma Cai, trong năm 2022, huyện sẽ trồng mới 250 ha cây ăn quả, chủ yếu là lê VH6 và mận Tả Van, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.600 ha cây ăn quả ôn đới. Đây sẽ là tiềm năng lớn giúp người dân có thêm nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Cùng với việc hỗ trợ người dân cải tạo các vườn cây ăn quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng hoa cánh bướm, hoa cúc xung quanh vườn trùng với thời điểm thu hoạch lê, mận để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến với du khách.
Còn tại huyện Bắc Hà đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, như khám phá và trải nghiệm vườn mận tam hoa (xã Tà Chải, xã Na Hối); tham quan làng nghề nấu rượu ngô (xã Bản Phố); trải nghiệm làm cốm cùng bà con người Tày (xã Tà Chải); chụp ảnh tại vườn hoa cát cánh; trải nghiệm hái dâu tây Hàn Quốc (xã Lùng Phình, xã Nậm Mòn)… Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Đề án Phát triển văn hóa, du lịch huyện Bắc Hà giai đoạn 2021 – 2025 xác định phát triển du lịch phải gắn với phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp và ngành du lịch huyện Bắc Hà đã đồng hành với người dân xây dựng nhiều sản phẩm du lịch với các hoạt động trải nghiệm phong phú, như thu hái dâu tây, chè và dược liệu; tổ chức lễ hội gắn với quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc hữu…
Người dân được tham gia các lớp tập huấn để từ đó làm du lịch chuyên nghiệp hơn. |
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, các sản phẩm du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Để đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, lâu dài, khai thác tối đa tiềm năng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những lợi ích từ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương. Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc duy trì, mở rộng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch…