Bà Vàng Thị Tánh đan nón lá cọ. |
Cùng với bộ y phục dệt từ vải lanh, nhuộm chàm truyền thống, chiếc nón lá cọ đã tô thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng cho phụ nữ dân tộc Tày ở Bản Liền. Cách đây 3 năm, ở xã Bản Liền chỉ còn khoảng 4 hộ còn làm nón lá cọ, chủ yếu là người cao tuổi. Nón làm ra được bán tại chợ phiên của xã và chợ trung tâm huyện Bắc Hà. Từ năm 2019, khi được Nhà nước hỗ trợ theo chương trình phát triển du lịch cộng đồng, xã Bản Liền đã thành lập tổ đan lát và nhóm cùng sở thích tham gia làm nón lá cọ để phục vụ du lịch.
Chị Vàng Thị Dương, Tổ trưởng Tổ đan lát thôn Đội 2 cho biết: Chiếc nón lá cọ là vật dụng không thể thiếu của phụ nữ người Tày ở Bản Liền. Hiện tại, chiếc nón cọ được bán ra thị trường với giá từ 60 đến 80 nghìn đồng 1 chiếc, tùy loại to hoặc nhỏ. Chiếc nón trong cộng đồng người Tày địa phương ngoài để che mưa, che nắng còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. Nón được trao cho cô dâu khi về nhà chồng và là vật kỷ niệm của cha mẹ để lại cho con dâu với mong muốn con là người hiếu thảo, yêu thương gia đình. Chiếc nón còn được sử dụng trong các tiết mục múa trong các buổi biểu diễn văn nghệ của dân tộc… Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây, những chiếc nón lá cọ trở thành quà tặng và đồ trang trí được nhiều người dân, du khách ưa thích tìm mua.
Nón là vật dụng quen thuộc của phụ nữ Tày ở Bản Liền. |
Để có được chiếc nón lá cọ bền, đẹp, người làm phải mất nhiều công và kỹ thuật khâu tỉ mỉ. Cầm trên tay những lá cọ đã qua sơ chế, bà Vàng Thị Tánh, 76 tuổi, người có nhiều kinh nghiệm đan nón lá cọ ở Bản Liền cho biết: Ngày xưa, theo văn hóa của người Tày, con gái mới lớn sẽ được ông bà, bố mẹ truyền dạy kỹ thuật đan nón lá cọ, nhưng bây giờ giới trẻ còn rất ít người làm được chiếc nón đẹp.
Bà Tánh cũng chia sẻ, để có một chiếc nón cọ đẹp, người làm phải đến rừng cọ chọn những chiếc lá đủ to, mỏng đều, sau đó mang về phơi vừa nắng, tạo độ dai cần thiết cho chiếc lá, tiếp đó mới đến công đoạn cắt thớ lá và ép phẳng rồi mới đan nón. Vành nón được làm bằng cật tre để đảm bảo vừa dẻo vừa có độ bền cao. Khi đan, người làm cần khéo tay để tránh lá bị rách hoặc chia lá không đều khiến khó đan. Chỉ khâu ngày xưa được dùng bằng sợi đay, ngày nay đã có dây cước vừa chắc chắn, vừa tạo được mũi khâu đẹp. Công đoạn sau cùng và quan trọng nhất là bảo quản chiếc nón sao cho được bền, bà con thường treo trên gác bếp để tránh mục, mọt rồi mới đưa ra sử dụng.
Chị Vàng Thị Dương, Tổ trưởng Tổ đan lát thôn Đội 2 nói: Điều đáng mừng đối với người Tày ở Bản Liền là đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức lớp tập huấn nâng cao tay nghề đan nón lá cọ và một số sản phẩm làm từ lá cọ như mũ cọ, túi xách, giỏ lá cọ… Nhờ đó, người làm du lịch cộng đồng có điều kiện sản xuất ra sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống, đồng thời nâng cao đời sống người dân.