Du khách trên đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, xã Y Tý. |
Độc đáo sản phẩm du lịch leo núi
Thôn Phìn Hồ nằm trên tuyến đường Trịnh Tường – Y Tý, cách trung tâm xã Y Tý khoảng 10 km. Vào những ngày cuối tuần, từng đoàn ô tô, xe máy từ thành phố Lào Cai và các tỉnh đưa du khách về đây khám phá đỉnh núi Lảo Thẩn cao 2.860 m so với mực nước biển. Không chỉ du khách mà còn nhiều porter là người địa phương cũng có mặt tại ngã 3 Phìn Hồ – điểm xuất phát leo núi Lảo Thẩn – hỗ trợ khách vận chuyển đồ đạc, thực phẩm lên núi.
Sùng A Hờ, chủ một lán nghỉ phục vụ du khách leo núi Lảo Thẩn cho biết: Lán của tôi đáp ứng được 80 lượt khách nghỉ mỗi tối và phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách.
Trên đỉnh Lảo Thẩn hiện có 3 lán phục vụ du khách leo núi. Vào mùa leo núi từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, tuần nào các lán cũng có khách, có chủ lán không dám nhận thêm khách vì sợ quá tải, không phục vụ khách được chu đáo.
Không chỉ đỉnh núi Lảo Thẩn hút khách du lịch, trên địa bàn huyện Bát Xát còn một số đỉnh núi khác cũng là điểm đến hấp dẫn. Đó là núi Pu Ta Leng (cao 3.049 m) thuộc địa phận xã Trung Lèng Hồ; núi Ky Quan San (cao 3.046 m), núi Nhìu Cồ San (cao 2.965 m) thuộc xã Sàng Ma Sáo. Các đỉnh núi này nằm trong tốp 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, có phong cảnh hùng vĩ, rừng già nguyên sinh, dòng suối trong vắt, những cây đỗ quyên cổ thụ nở hoa rực rỡ mỗi độ tháng 3, tháng 4 về.
Chị Nguyễn Thị Ánh Huyền, một du khách từ Đà Lạt chia sẻ trên nhóm Face Book “Hội đam mê leo núi”: Sau chuyến chinh phục đỉnh núi Ky Quan San (3 ngày 2 đêm) tôi quyết định tiếp tục chinh phục đỉnh Lảo Thẩn – “nóc nhà Y Tý”. Chuyến đi tuy vất vả nhưng bù lại, hai đỉnh núi có nhiều điểm dừng chân chụp ảnh rất thơ mộng. Từ trên đỉnh núi có thể thả hồn ngắm biển mây bồng bềnh, ngắm mặt trời mọc hoặc hoàng hôn trên núi tuyệt đẹp. Tôi rất vui vì sau chuyến đi có nhiều trải nghiệm thú vị và những bộ ảnh đẹp…”.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bát Xát, năm 2021, huyện đón 37.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8.000 lượt khách leo núi. Riêng đỉnh Lảo Thẩn đón khoảng 5.000 lượt khách, tăng khoảng 4.000 lượt khách so với năm 2020. Trong 3 tháng đầu năm 2022, huyện Bát Xát dự kiến đón 24.000 lượt khách du lịch, trong đó khách leo núi khoảng 1.500 lượt.
Chinh phục các đỉnh núi cao ở Bát Xát đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. |
Người dân địa phương có thêm thu nhập
Khi du lịch chinh phục các đỉnh núi ở vùng cao Bát Xát phát triển, không chỉ giúp du khách khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Trên các đỉnh núi dần hình thành các lán nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú qua đêm và nhu cầu ăn, uống của du khách.
Anh Sùng A Trừ, chủ một lán nghỉ trên núi Ky Quan San cho biết: Mỗi du khách nghỉ tại lán trên núi Lảo Thẩn sẽ trả 100.000 đồng tiền ngủ, chưa kể tiền ăn, uống. Tùy theo lượng khách, trừ các chi phí, thu nhập của chủ lán mỗi tháng có thể được 5 – 7 triệu đồng, có khi được chục triệu đồng. Khách du lịch đến Y Tý và leo núi cũng góp phần giúp bà con tiêu thụ nhiều nông sản của địa phương. Các porter vận chuyển đồ và dẫn khách leo núi có thêm khoản tiền làm thêm ngày cuối tuần.
Còn Lầu A Quả, thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo chuyên dẫn khách du lịch và làm porter cho biết: Mỗi porter gùi hàng cho du khách lên núi được 300 – 400 nghìn đồng/ngày. Tôi vừa dẫn khách vừa gùi hàng cho khách lên núi, tháng nào đông khách và công việc đều, sẽ có thu nhập khoảng 6 triệu đồng, còn trung bình là khoảng 3 – 4 triệu đồng. Trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, nhiều người dân không thể đi làm thuê ở xa, thì việc phục vụ du khách leo núi giúp người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Được biết, những năm gần đây, ở xã Sàng Ma Sáo, ngoài Sùng A Trừ, Giàng A Quả còn một số thanh niên khác cũng đứng ra tổ chức đón khách leo núi Ky Quan San, Nhìu Cồ San, như Thào A Tủa, Sùng A Chư, Thào A Dơ, Giàng A Hả… Ở thôn Phìn Hồ, xã Y Tý cũng có một số thanh niên tham gia dẫn khách leo núi Lảo Thẩn và hàng chục porter người bản địa. Hướng dẫn viên du lịch leo núi là một nghề mới, đem lại thu nhập đáng kể cho thanh niên nơi đây.
Thay đổi bức tranh vùng cao
Trở lại câu chuyện ở thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, nhờ du lịch phát triển cùng các điều kiện khác đã làm thay đổi vùng đất này, biến một vùng đất đìu hiu, vắng vẻ thành nơi có nhịp sống sôi động hơn. Dọc tuyến đường Trịnh Tường – Y Tý đi qua thôn Phìn Hồ đã thay đổi rõ nét với nhiều ngôi nhà xây mới “mọc” lên. Các hộ cải tạo nhà cửa, vườn đồi, trồng thêm nhiều đào, lê, mận, làm cho bức tranh nơi đây rực rỡ mỗi độ xuân về.
Đối với thôn Ky Quan San và thôn Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo) cũng có những đổi thay rõ nét. Thôn Nhìu Cồ San mấy năm trước chưa có nhà xây, chưa có homestay nào, thì giờ đây đã có 3 homestay đón khách du lịch. Ông Giàng A Tếnh, Bí thư Chi bộ thôn Nhìu Cồ San, cũng là người tiên phong mở homestay đầu tiên trong thôn, bảo: Mấy năm gần đây có nhiều đoàn du khách đến thôn để leo núi Nhìu Cồ San, Cú Nhù San, thăm thác Ong Chúa, khám phá đường đá cổ Pavie đi sang tỉnh Lai Châu. Vì thế, tôi đi đầu và vận động bà con làm du lịch. Một số hộ đã chung nhau làm lán trên núi Nhìu Cồ San và dẫn khách leo núi, cuộc sống dần khấm khá hơn. Hầu hết các hộ làm nghề phục vụ khách du lịch, nay đã thoát nghèo.
Từ thực tế những năm qua, có thể khẳng định chính tác động của du lịch, trong đó có du lịch leo núi, đã và đang góp phần làm thay đổi bức tranh vùng cao Bát Xát, nhất là ở các xã như Y Tý, Sàng Ma Sáo. Hiện nay, tại 2 xã có gần 20 homestay, đồng thời có khoảng 10 -15 người chuyên tổ chức các đoàn leo núi và 150 người làm nghề porter, trong đó có hơn 50 người thường xuyên dẫn khách leo núi. Du lịch phát triển kéo theo nhiều dịch vụ khác như trao đổi, mua bán hàng hóa, phát triển trồng trọt, chăn nuôi phục vụ nhu cầu của du khách. Từ đó, góp phần giúp người dân bản địa nâng cao nhận thức, chuyển dần từ làm nông nghiệp sang phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…