Bên núi Hoàng Liên. Ảnh: Phúc Thạnh (Sa Pa) |
Mới đó mà đã mười mấy năm, mới đó mà anh đã có 4 tập thơ trình làng và bây giờ là Sức vóc Hoàng Liên – tập thơ thứ 5.
Tập thơ Sức vóc Hoàng Liên của Nguyễn Văn Hoàn gồm 61 bài. Đây là tập thơ khá ấn tượng. Ấn tượng bởi những vần thơ viết về vùng cao Lào Cai trong dòng chảy cảm xúc được nuôi dưỡng trong tấm lòng thơm thảo. Ấn tượng bởi tính thời sự, trách nhiệm công dân, song vẫn giữ được nét chân thành, phong cách sáng tạo ổn định, hệt như tính cách anh. Đó là nỗi gian nan của vùng cao sau mùa băng giá phơi bày ra một cách nghiệt ngã, ở đó người và vật không lẩn tránh cái thực tế phũ phàng. Đó là những vất vả, gian nan, nhưng người và vật trong bản của em vẫn kiên cường bám trụ, vẫn chấp nhận gian khổ để tồn tại, chấp nhận để sinh sôi.
Một trong những điều lý thú là thơ Nguyễn Văn Hoàn giản dị, đơn giản hóa vấn đề, đi thẳng tới sự tiếp nhận của người đọc. Đọc là thấy sự đi, đến, cảm nhận, bộc lộ, thay vì đau đáu với đa tầng đa nghĩa, với liên tưởng xa xôi. Tác giả đã đi luôn vào vấn đề cần viết, bước từ bài thơ này sang bài thơ khác nhẹ nhàng, thanh thoát, tựa như người vào làng rời cổng nhà hàng xóm này liền bước vào cổng nhà hàng xóm khác. Đó là từ cảm nhận về một vùng quê tưng bừng đổi mới: “… Quê em vừa bội thu mùa lúa/Vụ rau đông xanh đất bãi rộn ràng/Cái rét cuối mùa cho đào, lan vào nụ/Con đường về vừa thảm nhựa mừng xuân …”- Bản mình Xuân đợi xốn xang.
Một trong những thế mạnh của thơ Nguyễn Văn Hoàn là nhiều chi tiết. Thế mạnh này của anh có lẽ bắt nguồn từ sự chỉn chu của một nhà giáo, đầy đủ, chính xác của một nhà khoa học. Nhưng, nếu chỉ từ sự chỉn chu, chính xác thì thơ sẽ dẫn đến chỉ là sự lắp ghép từ ngữ, khoe chi tiết, khoe chữ chứ khó có thể thành thơ. Nguyễn Văn Hoàn đã vượt qua sự khô cứng, kể lể mà những người viết theo chủ đề thường vấp phải. Anh đã dùng cảm xúc, tình cảm thực tế để trải lòng qua những cảm nhận, để khái quát hóa hình tượng ra trang giấy, thể hiện tính thời sự và trách nhiệm công dân rất cao.
Đứng trước những ngày cả nước gồng mình chống dịch, anh đi thẳng vào vấn đề một cách quyết liệt. Nhưng cũng trong giữa mùa Covid, cảm thông với người đang phải chiến đấu với bệnh tật để giành giật lại sự sống, anh lại bộc lộ cảm thông, chia sẻ một cách rất thơ: “Trong căn phòng cửa sổ hé, dưới tán cây/Giọt sương rơi làm chao nghiêng cánh lá/Đêm tĩnh lặng nghe rõ từng nhịp thở/Cùng nhịp tim, nhịp sống, những lo âu…” – Nỗi niềm mùa Covid.
Khi đứng trước mảnh đất quê hương, anh đã tự ra lệnh cho chính mình: “Và không muốn là mảnh đất hư vinh/Càng không muốn thành đất trơ đồi trọc/Đã nặng tình với tên mình là “đất”/Giờ nằm im vô ích liệu vui không?..” – Lời của đất.
Vậy đó, thơ đương nhiên cần có “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông…”, nhưng thơ cũng cần có mệnh lệnh của trái tim và kết quả của việc thực hiện mệnh lệnh đó.
Nhiều người làm thơ (trong đó có tôi) thường rất thụ động trong sáng tạo khi bắt gặp những hoàn cảnh, những cái đẹp, cái cần ngợi ca hay tỏ rõ thái độ ngay thì nhà thơ thường tiếp nhận, cảm thấu và lưu lại trong trí não, sau đó dành nhiều thời gian nghiền ngẫm, giằng xé, mãi mới thốt nên vần. Nhưng với Nguyễn Văn Hoàn lại khác, anh rất chủ động trong việc nuôi cảm xúc, cảm nhận, khát vọng và thể hiện. Bởi vậy nên đến bất cứ vùng nào, hoặc trước sự việc nào cần thổ lộ, anh luôn bộc lộ cảm xúc tức thì, tức cảnh thành thơ, thành thơ một cách nghiêm túc về giá trị của cuộc sống. Đây có thể là cá tính nhưng cũng có thể là phong cách, một lối sáng tác ổn định, đáng tin cậy, khá riêng biệt, là kết quả của cả một quá trình tiếp nhận kiến thức, rèn luyện không ngừng nghỉ của anh.
Thế đó, cảm hứng tự sự xuyên suốt những bài thơ trong tập thơ Sức vóc Hoàng Liên. Tự sự trước cảnh vật. Tự sự trước cảnh đời. Tự sự trước kinh nghiệm sống, trước sức sống của vạn vật, qua thơ toát lên vẻ đẹp của tâm hồn con người, cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Thơ Nguyễn Văn Hoàn giống như cá tính của anh. Trong cuộc sống anh là người cẩn trọng, lấy niềm vui vui mình vui người, hết lòng vì công việc, hết lòng vì bạn bè thì thơ anh cũng vậy, cẩn trọng nhưng vẫn hào hứng, không ồn ào khoe mẽ, nói vấn đề gì rõ vấn đề ấy, không nặng nề cấu trúc, triết lý hoặc làm mới thơ một cách cầu kỳ, bí hiểm mà vẫn rất thơ, qua thơ anh ta dễ dàng cảm nhận được hơi thở của cuộc sống hôm nay.