Tô màu cho tranh số hóa. |
Tranh số hóa còn gọi là tranh sơn dầu số hóa là loại tranh được phác họa lại và xử lý trên máy tính, các đường nét được tạo thành nhiều mảng to, nhỏ khác nhau và được đánh số theo bảng màu. Nhiệm vụ của “họa sỹ không chuyên” là tô lại bức tranh theo các mảng màu đã được đánh số tương ứng với số thứ tự được in trên bảng màu pha sẵn. Việc vẽ tranh số hóa tưởng như rất đơn giản, chỉ cần tô đúng màu được đánh số lên bức tranh đã được in sẵn, nhưng bức tranh có đẹp hay không, có hồn hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào độ khéo tay của người vẽ tranh. Bởi vậy, tô màu lên tranh số hóa cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và những tố chất nghệ thuật nhất định đối với người vẽ.
Tại Lào Cai, tranh số hóa thường được bán tại những cửa hàng bán đồ trang trí nhà cửa. Người tiêu dùng có thể chọn mua theo mẫu có sẵn hoặc đặt mua trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada. Chị Phạm Thị Minh Ngân, chủ một cửa hàng bán đồ trang trí nhà cửa tại phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho biết: Tranh số hóa có rất nhiều mẫu với nhiều chủ đề. Tranh có nhiều kích thước khác nhau, nhưng tại cửa hàng chúng tôi chủ yếu kinh doanh tranh có kích thước 40×50 cm. Tùy theo kích thước, tranh có giá từ 150 đến 200 nghìn đồng/bức. Ngoài ra, theo yêu cầu của khách hàng, những bức tranh lớn có sẵn khung và cầu kỳ hơn thì có giá lên tới 1 triệu đồng. Khách hàng cũng có thể mang những bức tranh, ảnh đến cửa hàng để chúng tôi “số hóa” thành tranh và mua màu để tô.
Một bức tranh số hóa sau khi được hoàn thiện. |
Thông thường, một bộ tranh số hóa thường đi kèm bảng màu pha sẵn, bút, cọ vẽ, các cốc nhựa để rửa cọ. Với số tiền không quá lớn, người vẽ có thể tự mình hoàn thiện một bức tranh mà không tốn quá nhiều công sức, tự mình làm “họa sỹ” để làm đẹp cho ngôi nhà của mình hoặc làm quà tặng “handmade”. Chị Trần Thị Thanh Huyền, thôn Làng Kim, xã Quang Kim (Bát Xát) tâm sự: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc gặp gỡ bạn bè hạn chế, tôi chủ yếu ở nhà xem phim, lướt web và mạng xã hội. Thấy có cửa hàng bán tranh số hóa nên tôi đặt một bức về tô. Tô tranh giúp tôi tập trung, rèn tính kiên nhẫn và cẩn thận với từng chi tiết nhỏ. Bức tranh đầu tiên tôi tô mất gần 1 tuần, do không có kinh nghiệm lên màu nên không được đẹp cho lắm. Sau đó, tôi đặt thêm tranh về tô những khi rảnh rỗi. Có những bức khó tôi tô mất gần 1 tháng, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao nhưng lại không khiến tôi thấy áp lực mà ngược lại, tôi thấy rất thoải mái, thư giãn.
Theo chị Huyền, tô tranh không quá khó, chỉ cần tô đúng màu theo số nhưng độ đậm nhạt, dày mỏng của màu thì phụ thuộc vào cảm quan của từng người, điều đó tạo nên “cái hồn” riêng cho bức tranh. Cùng một bức tranh được số hóa nhưng tùy vào người tô mà sản phẩm tạo ra có thể trông rất khác nhau. “Một trong những mẹo nhỏ khi tô màu cho tranh số hóa là phải giữ cọ thật sạch, khô khi tô màu, tô theo trình tự từ trên xuống hoặc theo các số được đánh dấu, tô màu đậm trước, màu nhạt sau. Đặc biệt nhất là người tô màu phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, không bỏ dở giữa chừng. Chỉ như vậy là đủ để tự mình tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình” – chị Huyền chia sẻ.
Những bức vẽ sau khi hoàn thiện thường được đóng khung, phủ một lớp keo trong suốt để giữ bền màu, sau đó dùng để trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ cũng kiên nhẫn hoàn thiện những bức vẽ để làm quà tặng bạn bè, người thân. Những bức tranh số hóa không chỉ khơi gợi được năng khiếu nghệ thuật, tính kiên nhẫn, tỉ mỉ của từng người, mà còn là một hình thức giải trí hiệu quả trong mùa dịch.