23 giờ, bà Trần Thị Lan, phường Sa Pa mới bắt đầu bày hàng cháo, đồ nướng phục vụ khách ăn đêm. Tháng 6, đêm Sa Pa vẫn nhiều sương, nhiều gió, se lạnh và phây phất mưa. Bà căng mấy chiếc ô lớn để che mưa cho khách, dựng lại mấy chiếc ghế nhựa vừa bị đổ liểng xiểng vì gió tạt. Bà Lan quê gốc ở Nam Định, cha mẹ bà chuyển đến sinh sống ở Sa Pa từ thập niên 60 thế kỷ trước. Có vị khách hỏi:
– Sa Pa bây giờ khác xưa nhiều không cô?
– Cô thấy vẫn thế, không khác xưa mấy.
– Cháu thấy Sa Pa giờ ồn ào, xô bồ quá – vị khách còn trẻ nói khi tiếng nhạc vẫn vang lên giữa đêm lạnh từ góc nào đó của phố thị.
Bà Lan lấy thanh gỗ nhỏ và dài, khơi lại đám than hồng cho đỏ lửa. Thanh gỗ bén lửa, nghi ngút khói. Bà vùi thanh gỗ vào đám gio nguội phía ngoài rồi phủi tay, lật mấy bắp ngô, củ khoai đang nướng dở rồi mới quay lại trả lời vị khách lạ. Người phụ nữ đầu đã 2 màu tóc ôn tồn lý giải bằng chất giọng đều đều: Cũng giống như con người, đến một độ tuổi nào đó tự nhiên lớn phổng lên. Người ngoài ít gặp sẽ thấy giật mình vì khác lạ, nhưng người nhà lại thấy bình thường, cũng chẳng rõ là đã lớn lên từ lúc nào!
Trong câu chuyện không đầu không cuối của một đêm giữa phố thị, chúng tôi thấy một Sa Pa đang lớn. Sa Pa với bà Lan đang lớn dần, giàu có hơn, đông đúc hơn, ồn ào hơn, nhưng do người dân nơi đây đang “thở chung một nhịp”, cùng chuyển mình trong công cuộc thay da đổi thịt ấy nên họ vẫn nhìn một Sa Pa theo cách rất riêng. Sa Pa vẫn vùi mình giữa sương, giữa mây, vẫn có những bản làng cho những ai thích sự hoang sơ, vẫn có núi non trùng điệp cho những ai thích sự hùng vĩ. “Ai cũng phải lớn lên chứ, Sa Pa 10 năm sau mà vẫn giống 10 năm, 20 năm trước thì đâu có được” – bà Lan nói.
Đêm ở Sa Pa, những phố, những góc nhỏ xinh khi đã mỏi mệt sau buổi tối ồn ào, huyên náo phục vụ khách du lịch mới bắt đầu trở về nhịp sống lặng lẽ. Người lao động tại các nhà hàng, quán ăn, các điểm vui chơi tan ca sau một ngày vất vả, ghé vào quán ăn đêm, quán trà đá, trà nóng rồi kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu, không cuối. Sương xuống, những mái đầu lấm tấm giọt sương bàng bạc, cùng nói cười, cùng chuyển mình với một Sa Pa đang định hình lại phong cách của riêng mình. Những đứa trẻ ở phố thị này cũng thức khuya cùng phố, đợi đêm khách đã vãn mới hẹn nhau mang những chiếc xe đẩy, xe trượt, đồ chơi ra ngoài sân đuổi nhau cười khúc khích, ồn ào theo một cách rất riêng. Góc sân này, khoảng trời này vẫn lặng yên ở đó nhìn từng đứa trẻ lớn lên.
Ngày hôm sau, chúng tôi ghé thăm những bản làng theo gợi ý của bà Lan để trải nghiệm một Sa Pa lặng lẽ và giàu bản sắc. Trên ứng dụng đặt phòng nghỉ, chúng tôi đặt chỗ tại homestay giữa xã Tả Van. Bên dòng suối Mường Hoa mùa nước lớn, những tràn ruộng bậc thang xanh rì ôm ấp những bản làng với những nếp nhà nhỏ xinh. Ngày cuối tuần, bản làng cũng đón nhiều khách hơn thường lệ, nhưng nhịp sống vẫn chậm rãi và bình dị, lặng lẽ tưởng như tách biệt hoàn toàn với trung tâm thị xã Sa Pa cách đó chỉ vài cây số. Không ồn ào tiếng nhạc, tiếng còi xe, tiếng chào mời gọi khách, một bản làng bình yên chào đón chúng tôi. Căn nhà sàn bằng gỗ, thiết kế có phòng ngủ lớn để đón khách đi theo đoàn và vài phòng ngủ cho khách có nhu cầu đặt phòng riêng. Ngoài chúng tôi, homestay hôm đó còn có cặp vợ chồng còn khá trẻ đều làm giáo viên mầm non, chọn Sa Pa làm điểm du lịch dịp hè. Buổi tối, 2 nhóm khách cùng dùng bữa với chủ nhà. Cô chủ homestay người Tày xinh đẹp, khéo léo nấu những món ăn thường ngày với gà, cá, rau rừng mời khách.
Trong cuộc “trà dư tửu hậu”, anh Kiều Duy Hiếu, du khách đến từ thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) kể về “mối nhân duyên” của anh với Sa Pa. Hơn 10 năm trước, cơ quan anh Hiếu tổ chức chuyến du lịch đến Sa Pa nghỉ dưỡng dịp hè, đó cũng là thời điểm câu chuyện tình yêu của anh và chị Hiền – vợ anh – bắt đầu. Theo lời kể của anh Hiếu, hai vợ chồng vốn làm việc cùng trường nhưng trước đó không để ý gì đến nhau. Chuyến đi Sa Pa hôm ấy mưa lớn, trời về đêm khá lạnh nên khi từ quán ăn trở về, hai người cô đơn cứ nép vào nhau mà đi cho đỡ gió. Câu chuyện bắt đầu đơn giản như thế, cái không khí buổi đêm lành lạnh, phố thị lặng lẽ, tự nhiên khiến người ta không muốn cô đơn nữa. Thế rồi về Quảng Ninh, đôi trẻ quyết định trở thành một cặp.
Sau 10 năm kết hôn, cứ vài năm một lần, dịp nghỉ lễ dài ngày hoặc nghỉ hè là hai vợ chồng lại đến Sa Pa để ôn lại kỷ niệm xưa. Năm nay là năm thứ 10, điểm đến của đôi vợ chồng cũng không ngoại lệ. Mỗi lần một trải nghiệm, có lần nhiều niềm vui, cũng có lần hơi thất vọng, anh Hiếu vẫn giữ trong mình một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất này. “Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất du lịch ấy chứ. Vùng đất du lịch nào mà chẳng đông đúc, ồn ào và Sa Pa khi trở thành một khu du lịch lớn cũng không ngoại lệ. Sa Pa trong tôi 10 năm trước tĩnh lặng và trầm buồn. Tôi nhớ mãi hình ảnh chàng trai người Mông cầm theo chiếc lồng nhốt con chim họa mi đứng dưới gốc thông cạnh đường để bán. Thế nhưng, 10 năm sau chàng trai ấy phải khác chứ, đâu thể lên rừng bắt chim về bán nữa. Có khi giờ họ trở thành hướng dẫn viên du lịch, ông chủ một homestay nào đó không chừng. Nói rằng Sa Pa ồn ào, không đúng nhưng cũng chẳng sai. Nếu tôi cứ đến mãi nơi tôi từng đến rồi mong muốn 10 năm sau vẫn hoang sơ như 10 năm trước thì vô lý quá. Vẫn có Sa Pa lặng lẽ ở những bản làng, vẫn có Sa Pa với khí hậu mát mẻ, se lạnh, sương trắng kéo về phủ khắp bản làng suốt bốn mùa, với những món ngon đậm sắc Tây Bắc, nhưng người ta phải yêu, phải tìm hiểu mới nhìn thấy được” – anh Hiếu chia sẻ.
Du khách trải nghiệm nghệ thuật vẽ sáp ong của người Mông tại xã Tả Van. |
Sa Pa đang trong giai đoạn chuyển mình, với ồn ào phố thị, những công trình xây dựng dở dang hoặc những điểm đến đang loay hoay định hình phong cách mới. Còn hay không một Sa Pa lặng lẽ? Còn! Vẫn luôn có một Sa Pa lặng lẽ giữa bốn mùa mây với những bản làng bình yên, người dân nhiệt tình, mến khách. Vẫn luôn có những người làm du lịch với mong muốn gìn giữ những nét văn hóa địa phương và nỗ lực lan tỏa điều đó đến du khách.