Du lịch cộng đồng tại Lào Cai đã trở thành chìa khóa xây dựng môi trường văn hóa, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái; góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, quan trọng hơn cả là góp phần bảo tồn, tăng giá trị văn hóa truyền thống xây dựng môi trường văn hóa, kết nối với cộng đồng, gia đình, dòng họ. Môi trường văn hóa có đầy đủ các thiết chế văn hóa như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày sản phẩm thủ công, kiến trúc nhà truyền thống được giữ gìn, các hộ kinh doanh homestay lắp đặt các biển chỉ dẫn, biến bảo, cổng làng, cổng nhà,…. Thể hiện được sự đặc trưng dân tộc, tạo ấn tượng đối với du khách. Sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống, các phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc. Cụ thể: sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, nhạc cụ, trang sức bằng bạc…; ẩm thực dân tộc: Thắng cố, Xôi bảy màu, Lạp sườn, Tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc,… Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng dần thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Bản sắc và các giá trị, di sản văn hóa của cộng đồng là một trong những yếu tố chính tạo nên môi trường văn hóa của cộng đồng, tạo ra sự khác biệt về môi trường văn hóa tại điểm đến của cộng đồng này với điểm đến của cộng đồng khác, là yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch. Việc nhận thức và tham gia vào công tác bảo tồn giá trị các di sản văn hóa của cộng đồng địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa tại điểm đến.
Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô xanh.
Du lịch cộng đồng góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, xóa bỏ những hủ tục, tập tục cổ hủ của người dân bản địa. Điển hình như điểm du lịch cộng đồng Choản Thèn tại xã Y Tý huyện Bát Xát. So với trước kia, phụ nữ Hà Nhì đã thực sự “vùng lên” mạnh mẽ, tự chủ trong cuộc sống và không còn bị trói buộc vào hủ tục. Bản làng nghèo đói lạc hậu ngày nào giờ đã sạch đẹp, trong lành, tuyệt nhiên không còn cảnh chất thải gia súc, gia cầm thả rông, rác sinh hoạt được tập kết đúng chỗ… Di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, xa khu dân cư, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư các hạng mục thiết yếu cần thiết để đón khách du lịch ăn, nghỉ tại các hộ dân (dịch vụ homestay).
Du lịch cộng đồng góp phần xây dựng di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, xây dựng không gian di sản thành điểm đến của du lịch hấp dẫn như: Di sản lễ hội dân gian các dân tộc; Di sản kiến trúc nhà truyền thống các dân tộc ; Di sản múa, âm nhạc; Nghề thủ công truyền thống; Sáng tạo trong cách khai thác giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch trải nghiệm. Cách làm sáng tạo của Lào Cai dựa trên lợi thế khai thác thế mạnh di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch độc đáo, chất lượng. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu “biến di sản thành tài sản” góp phần tạo ra các loại hình sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chân thực trên nền tảng gìn giữ văn hóa truyền thống. Bảo tồn không gian văn hóa làng cổ tiêu biểu: thôn Cát Cát của người Mông, xã San Sả Hồ; thôn Sả Séng của người Dao đỏ xã Tả Phìn, thôn Bản Dền của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa); thôn Trung Đô của người Tày xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, không gian văn hóa người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; làng văn hóa truyền thống dân tộc Hà Nhì tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý huyện Bát Xát.
Bên cạnh những tác động tích cực mà du lịch cộng đồng mang lại trong việc xây dựng môi trường văn hóa, du lịch cộng đồng cũng có những tác động, ảnh hưởng xấu, như: Tình trạng mai một nhanh chóng những nét đẹp, truyền thống văn hoá, lao động, sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân tộc, đặc biệt là ở các cộng đồng dân tộc ít người. Tuy nhiên, để việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng được triển khai một cách hiệu quả và bền vững hơn, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến. Tăng cường quản lý quy hoạch điểm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng về xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển đa dạng các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa tại các điểm đến trong tình hình mới.