Mỗi năm một lần, khi những bông lúa nếp bắt đầu chắc mẩy, chuyển sang màu hanh vàng là bà con gặt về để chuẩn bị làm cốm. Dù ai có đi xa cũng cố gắng trở về trong những ngày này, làm cốm và thưởng thức hương vị cốm trở thành một nét đẹp truyền thống.
Trước đây, người dân thường làm cốm vào ngày rằm hoặc chờ thầy mo xem ngày tốt mới được phép làm và cả làng phải làm cùng một lúc, từ đó đã hình thành nên không gian làm cốm đậm đà bản sắc. Bà Vi Thị Quế, năm nay đã 80 tuổi, cho biết: Cốm được làm cầu kỳ, từ khâu chọn lúa phải là nếp hoa vàng đương thời kỳ ngậm sữa. Lúa gặt về, người dân đập lấy những hạt to, mẩy. Bếp dùng nướng cốm là những hố đất được đào sâu chừng 1 mét, người dân đan tre thành 2 phên lớn đặt lên trên làm giá, lúa nếp sẽ được rải đều lên để nướng. Người nướng cốm phải lật qua lật lại thường xuyên để lúa chín đều, không bị cháy, sau đó cho vào những chiếc cối lớn để giã.
Những công đoạn làm cốm bây giờ đơn giản hơn nhiều, lúa sẽ được tuốt trước, sau đó rửa qua nước để lọc ra những hạt lép rồi đem rang. Lửa được đun cháy vừa đủ để lúa chín từ từ, người rang cốm phải đảo đều tay cho cả mẻ cốm được thơm ngon. Khi hạt thóc chuyển từ màu vàng xanh sang xám nhạt, những hạt thóc đã khô là cốm đã chín, có thể đem giã hoặc nghiền thành cốm. Người làm cốm luôn phải chú ý để mang cốm ra đúng lúc, giữ cho hạt cốm vẫn còn dẻo và thơm.
Từ bao đời nay, cốm của người Giáy nơi đây vẫn giữ được hương vị rất riêng, không có màu xanh non như cốm làng Vòng mà sắc màu trộn lẫn giữa xanh với trắng đục, thưởng thức cốm khiến cho ta như cảm nhận được hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Làm cốm còn mang những ý nghĩa với dân tộc Giáy, đó là dịp mừng lúa mới, cầu cho mùa sau bội thu. Vì vậy, khi làm cốm xong, gia đình nào cũng mổ thêm gà, vịt để làm mâm cơm cúng tổ tiên, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà ấm no, hạnh phúc./.