Vừa nhanh tay gói cốm cho khách, chị Phạm Thị Khuyên ở thôn Na Lo vừa tâm sự: Hơn 1 tuần trở lại đây, nhà nhà ở Na Lo tất bật lên nương cắt từng bông lúa nếp, mang về tuốt hạt làm cốm. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm.
Cốm là món quà không thể thiếu khi du khách đến Bắc Hà. |
Qua tìm hiểu, tôi được biết, nguyên liệu để làm cốm là thóc nếp đặc sản của địa phương, được trồng trên nương, hạt căng mẩy và thơm nức. Khi những bông lúa uốn câu, hạt căng sữa cũng là lúc người dân Na Lo bước vào vụ thu hoạch. Bông lúa được cắt về, tuốt và sàng kỹ, sau đó đem rang, xát bỏ vỏ rồi giã đều. Để có được hạt cốm xanh ngắt, dẻo thơm, ngọt ngào, người dân Na Lo phải thức dậy từ 4 giờ giã cốm, để khi mặt trời mọc là có được thúng cốm mang ra chợ.
Trước đây, để mừng thành quả của những tháng ngày “một nắng hai sương” vất vả, đón một mùa vụ bội thu, người ta tổ chức lễ ăn mừng cơm mới. Cũng vì thế, món cốm ra đời được làm món ăn trong lễ cúng… Ngày nay, món ăn truyền thống ấy trở thành thứ quà hấp dẫn mỗi khi đến vùng cao Bắc Hà vào tiết thu chớm lạnh. Chị Phạm Thị Khuyên cho biết: Không nức tiếng như cốm làng Vòng truyền thống ở đất Hà Thành, nhưng cốm Na Lo cũng được xem là món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào Tày nơi đây.
Do là đầu mùa, nên giá cốm khá cao, từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. “Nói là được giá, nhưng để làm được mẻ cốm khoảng 10 kg, phải cần 4 – 5 lao động, làm việc liên tục trong 7 tiếng. Có những lúc, đến bữa ăn, chúng tôi phải thay phiên nhau để đảm bảo các công đoạn làm cốm không bị gián đoạn. Nói thật, làm cốm vất vả lắm, nhưng đó là nghề truyền thống, nên không bỏ được”, chị Khuyên cho hay.
Trong ngôi nhà sàn của người Tày, bên bếp lửa hồng, cô gái Tày tươi cười, đều tay rang thóc chuẩn bị cho ra lò những mẻ cốm mới. Hương cốm dìu dịu trong mỗi nếp nhà ở vùng đất Na Lo theo những bước chân vội vã ra phố huyện làm quà cho du khách.