Từ giữa năm 2022 đến nay, ZiZi homestay luôn tấp nập khách du lịch. Dù đã hẹn trước với Giàng Thị Dí, bà chủ của ZiZi homestay – cơ sở lưu trú tại xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa), nhưng chúng tôi phải ngồi đợi hơn 1 giờ đồng hồ mới được trò chuyện với Dí. Trong nhà, hành lý của du khách còn ngổn ngang, nhiều khách nước ngoài ngồi đợi được tới lượt nhận phòng, Dí tất bật chuẩn bị chỗ nghỉ cho khách.
ZiZi homestay chuẩn bị sẵn sàng đón khách. |
Giàng Thị Dí – du khách quen gọi với cái tên thân thuộc ZiZi, dân tộc Mông, chưa từng một lần đến lớp. Dí không biết viết, không đọc được chữ, ngay cả tên mình, nhưng lại nói tiếng Anh rất thành thạo. Giống như nhiều phụ nữ vùng cao, 17 tuổi Dí đã đi bán hàng thổ cẩm, ngày ngày rong ruổi trên các con đường lớn nhỏ ở Sa Pa.
Bán hàng, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều du khách, Dí nhận ra bản thân cũng có thể tự làm du lịch, bắt đầu từ chính ngôi nhà mình đang ở. Năm 2014, Dí là 1 trong 2 hộ tiên phong mở homestay tại xã Hầu Thào (khi chưa sáp nhập). Cơ sở ban đầu còn đơn sơ với 2 – 3 chiếc đệm nằm, nhà chưa được chỉnh trang, làm đẹp. Khi đó, ZiZi chỉ đón được vài khách quen. Thế rồi, khách bắt đầu truyền tai nhau về cơ sở của Dí, ngôi nhà nhỏ bên lưng núi với cô chủ nhiệt tình, chất phác và mến khách bỗng trở thành nơi lưu trú của hàng trăm lượt khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Từ sự góp ý của du khách, Dí tiếp thu và hoàn thiện homestay của mình. Dí tự học thêm nấu ăn, trang trí nhà ở, học giao tiếp bằng tiếng Anh. Dí chia sẻ: Mình không biết chữ nên hạn chế trong việc quảng bá, du khách biết tới ZiZi homestay chủ yếu qua truyền tai. Giữa lúc homestay đang trên đà hoạt động tốt thì đại dịch Covid-19 xảy ra, Dí vẫn cố gắng để bám trụ qua những ngày khó khăn. Thế nhưng không may, năm 2020, nhà hàng xóm bị cháy, lửa vô tình lan sang, toàn bộ những cố gắng của Dí chỉ còn lại là đống tro tàn.
Giàng Thị Dí (bên phải ảnh) kết hợp cùng em gái tiếp cận được khách hàng qua dịch vụ đặt phòng trực tuyến. |
Nhìn căn nhà với biết bao công sức gây dựng mất trắng sau một đêm, Dí bàng hoàng, xót xa, thế nhưng chính những người khách từng đến với homestay đã động viên tinh thần, cùng nhau hỗ trợ Dí phần nào kinh phí tiếp tục làm căn nhà mới. Thời điểm đó, nhiều đêm Dí cùng chồng thức trắng, có những ngày làm việc từ sáng tới đêm để chọn từng viên đá xếp làm hàng rào, chọn gỗ, rồi nhuộm vải, trồng cây… gây dựng lại những gì đã mất. Dí chia sẻ: Đi bán hàng thì có tiền ngay và không phải suy nghĩ quá nhiều, thế nhưng ngày nào cũng rong ruổi ngoài đường, nắng mưa cũng phải đi bán hàng rất mệt, có ngày còn không bán được gì. Làm homestay, tận dụng chính ngôi nhà mình ở, nhà vừa sạch đẹp, vừa được gia đình hỗ trợ.
Phụ nữ Sa Pa tham gia hướng dẫn khách tham quan. |
Vươn lên từ đống tro tàn, chính du khách đã là những “người thầy” dạy Dí cách làm du lịch, góp ý từ cách trang trí, vệ sinh sạch sẽ đến nấu ăn… Đáp lại kỳ vọng của du khách, Dí nâng cấp các dịch vụ tại homestay, cô đã biết trò chuyện, chia sẻ với khách về văn hóa bản địa, đưa khách đi trekking, tìm hiểu về thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong… Hiện, nhờ sự hỗ trợ của người thân, ZiZi homestay đã tiếp cận được khách hàng qua dịch vụ đặt phòng trực tuyến, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Dí có niềm tin đây sẽ là ngôi nhà được nhiều du khách lựa chọn khi đến Sa Pa.
Rời Sa Pa, chúng tôi đến Bản Liền (Bắc Hà) một ngày nắng đẹp. Đón chúng tôi là Vàng Thị Cân, người phụ nữ với thân hình nhỏ bé, nhanh nhẹn và nụ cười tươi tắn, chị đã cùng chồng vượt khó để xây dựng Bản Liền Forest homestay.
Chị Vàng Thị Cân luôn mặc bộ trang phục của dân tộc Tày để đón tiếp khách du lịch. |
Homestay của gia đình chị Vàng Thị Cân nằm giữa lưng đồi, ngay sau nhà là rừng quế xanh ngút ngàn rộng 5 ha, trước mặt là ruộng bậc thang, sân vườn trồng hoa rực rỡ sắc màu. Đây là ngôi nhà mang đậm kiến trúc truyền thống của dân tộc Tày, là một trong những điểm nhấn của du lịch cộng đồng tại Bản Liền.
Năm 2019, được hỗ trợ từ Dự án Tăng cường sinh kế và vị thế của người dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà do Chính phủ Úc tài trợ, chị Cân cũng như người dân Bản Liền bắt đầu được tiếp cận với du lịch cộng đồng. Chia sẻ về con đường bước vào ngành du lịch, chị Cân cho biết: Tham gia các hoạt động của dự án, tôi được khuyến khích đăng ký làm nông nghiệp sạch, cung cấp thực phẩm an toàn phục vụ du lịch. Nhận thấy nhà của mình rộng rãi và đẹp, vợ chồng tôi đã chỉnh trang để đón khách lưu trú.
Nhận thấy nhà của mình rộng rãi và đẹp, vợ chồng chị Vàng Thị Cân đã chỉnh trang để đón khách lưu trú. |
So với trước đây, nhà sàn của chị như được khoác áo mới, từ cảnh quan, bài trí đến những vật dụng tiện nghi như hệ thống nước nóng lạnh, mạng internet… Từ ngôi nhà thân thương – nơi ba thế hệ người Tày đang sinh sống, giờ đã trở thành homestay đón khách và kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng.
Homestay hoàn thành cuối năm 2019, đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, dự định đón khách của gia đình anh chị không được như kỳ vọng, nhưng không vì thế mà nản chí. Không ngừng nỗ lực, chị Cân đã tự học cách chụp ảnh, tham gia mạng xã hội để đăng bài giới thiệu về homestay cũng như cuộc sống của gia đình và bản làng, sẵn sàng chờ sự phục hồi của du lịch. Đặc biệt, để đón khách nước ngoài, chị cùng chồng học thêm tiếng Anh, lắng nghe góp ý của du khách và những người xung quanh, trồng thêm hoa, thêm các chi tiết trang trí sao cho gần gũi với thiên nhiên và phù hợp với khung cảnh xung quanh.
Đến nay, Bản Liền Forest Homestay có thể cùng lúc đón khoảng 20 khách nghỉ qua đêm. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư nuôi ngựa bạch, nuôi cá, trồng chè, trồng quế và các công việc khác để phát triển kinh tế.
Giàng Thị Dí hay Vàng Thị Cân là 2 trong số rất nhiều phụ nữ vùng cao mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để vượt lên khó khăn, khẳng định vị thế của mình. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới và phát huy sự tiến bộ của phụ nữ khi tham gia hoạt động du lịch. Một số mô hình như “Du lịch cộng đồng do phụ nữ Hà Nhì làm chủ” tại Choản Thèn, Y Tý (Bát Xát); “Tổ liên kết phụ nữ kinh doanh du lịch cộng đồng” do hội viên phụ nữ làm chủ tại Bắc Hà… đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả rõ nét.
Phụ nữ góp phần không nhỏ trong sự phát triển du lịch của Lào Cai. |
Với sự năng động, sáng tạo, tự tin, phụ nữ Lào Cai đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình, xã hội khi làm chủ các hoạt động du lịch, góp phần quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.