Đào Bích Nhị Sa Pa
Trên các sườn núi của mảnh đất Sa Pa (Lào Cai) vào những ngày tháng 5, trái đào Bích Nhị bắt đầu chín đỏ trên cành. Những cây đào nở hoa vào mùa xuân và kết trái khi hè sang.
Những trái đào mua mang về cứ để nguyên trong rọ sẽ không bị dập nát suốt quãng đường mang đi.
Đào Sa Pa do người Mông đen trồng, chủ yếu lấy hoa nên đến mùa hái quả, mỗi nhà chỉ vài chục cân. Họ chất đầy trong những chiếc rọ đan bằng tre, nứa rồi mang xuống phố bán, trở thành “đào rọ” nổi tiếng khắp xa gần.
Những quả đào trái nhỏ bằng cái chén uống nước trà, có vị thơm giòn, hơi chua, vỏ ngoài lông tơ mượt như nhung. Chỉ cần rửa sạch cho hết lông bám bên ngoài là ăn được ngay.
Mận đỏ Tả Van Sa Pa
Tháng 5 cũng là mùa của những trái mận đỏ trên khắp Tả Van (Sa Pa, Lào Cai). Trái mận của vùng đất này quả trong, đỏ, căng mịn, ăn có vị chua ngọt, quả chín ngọt lịm.
Mận đỏ nhiều nước và dễ bị dập nát vì quả khi chín mềm tay.
Mận đỏ Tả Van thích hợp để làm rượu. Vào tháng 6, người nấu rượu mua mận về ngâm trong bình đục màu (để tránh ánh sáng) với đường cát trắng theo phân lượng: 1 một phần quả nửa phần đường. Rượu mận cho vị chua chát dễ chịu.
Mận tam hoa Bắc Hà
Cây mận tam hoa là niềm tự hào của người dân vùng núi Bắc Hà (Lào Cai). Vào những năm 1980, giống mận tam hoa cho trái màu hồng tím và giòn ngọt đã trở thành loài cây kinh tế của cả vùng Bắc Hà.
Những trái mận giòn ngọt của người Bắc Hà. (Ảnh: Sotaydulich)
Mùa xuân, những cây mận nở hoa trắng cả khu đồi của bản làng người Mông, người Hà Nhì. Sang hè, mận đậu quả cũng là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của cả vùng. Huyện Bắc Hà được coi là “vương quốc mận tam hoa” với diện tích tích trồng chuyên canh gần 1.000 ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả thương phẩm./.