Đã hơn một lần họa sỹ Thành Chương đặt chân đến Y Tý (Bát Xát). Mảnh đất nơi đầu nguồn biên giới ghi dấu những cảm xúc đặc biệt trong trái tim người nghệ sỹ tài danh của nền mỹ thuật Việt Nam. Để khi xa, bao dồn nén tuôn trào ra đầu cọ vẽ, ông gửi vào tranh tình yêu đại ngàn Y Tý bằng nỗi nhớ da diết, yêu thương.
Tác phẩm “Phong cảnh Y Tý”. |
Nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa Việt Nam với dòng tranh trừu tượng và phong cách sống tài tử, cá tính, nhắc đến tên tuổi Thành Chương chắc hẳn nhiều người biết đến ông – con trai của cố nhà văn Kim Lân và chủ nhân của khu Việt Phủ mang tên ông ở Hà Nội. Từ nhỏ, sớm được tiếp xúc với các danh họa nổi tiếng cùng thời với người cha thân yêu của mình, tiếp cận với trào lưu nghệ thuật hiện đại mới mẻ của Picasso, Gauguin, Van Gogh… họa sỹ Thành Chương đã trở thành “Thần đồng hội họa” khi mới 7 tuổi. Thế giới tranh của Thành Chương là hình ảnh gần gũi, thân quen với văn hóa làng quê Việt Nam, những phong cảnh đẹp của mọi miền Tổ quốc, đều được ông bày tỏ tình yêu của mình bằng cái đẹp hội họa. Năm 2021, miền cổ tích Y Tý được ông tượng hình bằng đường nét hội họa khác biệt, đầy màu sắc, chất chứa hơi thở bình dị của cuộc sống nơi đại ngàn Tây Bắc.
Chất giọng trầm ấm, hào sảng và khoan thai của người đàn ông đã đi qua 75 mùa xuân của cuộc đời cứ thế trải lòng những cảm xúc lãng du nơi miền đất lạ. Ông hào hứng và say sưa kể cảm nhận của mình về Y Tý bằng một tình cảm xúc động, yêu mến đặc biệt. Ông bảo, cảm giác thật là thích thú về cảnh đẹp cũng như con người ở Y Tý, đúng như câu của thi nhân đã từng viết “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Chính vì đến Y Tý qua các mốc thời gian khác nhau, mỗi lần đến đều cảm nhận sự đổi thay trong dòng chảy cuộc sống bình yên của một vùng đất xa xôi nơi biên cương của Tổ quốc. Nhưng có lẽ sự thay đổi khiến ông bất ngờ hơn cả là dịp lên Y Tý vào năm ngoái. Ông thực sự cảm thấy choáng ngợp trước sự thay đổi nhanh chóng của Y Tý theo chiều hướng tích cực, đã tạo cho ông những cảm xúc mạnh về vùng đất thiên nhiên tươi đẹp.
Tác phẩm “Nhớ Y Tý”. |
Mảnh đất đại ngàn Y Tý đã thu gọn lại trong con mắt của người họa sỹ tài ba những gam màu ấn tượng, cứ thế tuôn chảy trên giấy vẽ đường nét tạo hình mang nhiều cảm xúc riêng. Ông bày tỏ: Phong cảnh và con người ở Y Tý mang nét đặc trưng, có một cái gì đó kỳ ảo, huyền bí, nhưng lại chân thật trong sáng, làm cho con người ta cảm thấy xúc động. Bởi, bấy lâu nay ở những vùng đô thị phát triển, với tiện nghi, phương tiện hiện đại, con người cứ mải miết với cuộc sống mưu sinh vội vã, bon chen, lam lũ, đôi khi còn cảm thấy ngột ngạt, xô bồ, bụi bặm, trần trụi… Thành thử, khi lên với Y Tý, cảm giác của tôi như lạc vào cõi tiên, rũ sạch bụi trần, thật vô cùng sung sướng. Những cảm xúc ấy ở những miền xuôi, ở những đô thị đã thấy mất đi nhiều quá, thậm chí gần như không còn nữa…
Chính vì những điều giản dị, chân thật, hồn nhiên trong sáng ấy đã khiến cho người họa sỹ tài ba khi trở về với guồng quay của cuộc sống thường nhật không nguôi nỗi nhớ về miền cổ tích Y Tý. Vẫn chất giọng hào sảng của một tài tử, ông bảo: Y Tý như một thế giới khác hẳn, khiến cho mình khi sống trong cuộc sống nhộn nhịp chốn đô thị, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội bức bí, nhớ quá những cái phóng khoáng, mênh mang, trong lành ở vùng cao… thì tự nhiên nó thành tranh thôi. Có nói có kể cũng không lột tả được hết bằng ngôn từ về vẻ đẹp của Y Tý, để thể hiện tình cảm về một miền đất đẹp như thế, người họa sỹ không biết làm gì hơn ngoài việc đưa nó vào tranh thôi.
Họa sỹ Thành Chương đã đặt chân đến rất nhiều vùng miền theo dọc dài đất nước, mỗi vùng đất đều có những cảm xúc, vẻ đẹp khác nhau. Thế nhưng, Y Tý vẫn là nơi để lại trong ông những cảm xúc mạnh và dạt dào nhất. Với họa sỹ Thành Chương, Y Tý có cái gì đó huyền bí, sâu lắng, diệu vợi và thực sự thì Y Tý có rất nhiều cái “gợi” cho người cầm cọ. Ông bảo: Tôi đã đi nhiều nơi, cũng thấy những nơi ấy đều có cảnh đẹp, đem lại nguồn cảm hứng sáng tác. Ví như, Đà Lạt chẳng hạn. Đà Lạt đẹp theo kiểu ý thơ, lãng mạn, mộng mơ. Hay như vùng cao Hà Giang, rất gần với Lào Cai, trước đây, có lần tôi đến, nhìn xuống dòng Nho Quế, thấy mây trời, núi đá, dòng sông ẩn hiện, hòa quyện, song cũng chỉ là cảm nhận về phong cảnh vậy thôi… không có nhiều cảm xúc đặc biệt như khi đến Y Tý.
Tác phẩm “Tình yêu Y Tý”. |
Trong cảm nhận của họa sỹ Thành Chương, ngoài vẻ đẹp về tinh thần, tình cảm thì Y Tý còn mang vẻ đẹp rất riêng về góc độ tạo hình. Y Tý đẹp bởi những tràn ruộng bậc thang hình cánh cung, những tầng tầng lớp lớp xếp trải dài nơi núi rừng hùng vỹ, tạo nên những ánh sáng lấp lánh. Cái đẹp của Y Tý còn thể hiện ở cả vẻ hồn hậu, chất phác, tình yêu giữa con người với con người. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khơi bật nguồn cảm xúc sáng tác của người họa sỹ. Chia sẻ về cảm xúc khi đứng trước thiên nhiên tươi đẹp, con người chất phác, hồn hậu của chốn đại ngàn, họa sỹ Thành Chương bộc bạch: Quả thật, Y Tý đẹp như một “Bài ca trên núi”, khiến tôi nhớ đến câu hát “Đầu chiều có sao chiều sao sớm. Đầu núi kia có hai người yêu nhau…” trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”…
Ở Y Tý có phong cảnh hùng vỹ, có tạo hình đẹp, có cả sâu thẳm nỗi nhớ, khát khao của một vùng đất trong lành, đẹp đẽ. Cũng chính vì điều ấy, trong tất cả các tác phẩm vẽ về các vùng quê trên dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông, họa sỹ Thành Chương dường như đã dành nhiều ưu ái hơn cho Y Tý của Lào Cai. Vì thế, ở những nơi ông đặt chân đến, cũng chỉ vẽ một hai bức, thì với Y Tý đã có tới 4 bức tranh mang chủ đề về Y Tý: Nỗi nhớ Y Tý, Tình yêu Y Tý, Phong cảnh Y Tý, Ruộng bậc thang Y Tý… Ngắm những bức tranh Thành Chương vẽ về Y Tý, cảm nhận sự dũng mãnh, lãng tử và cá tính của người họa sỹ dường như chùng mềm lại, tan chảy và hòa vào tranh những gam màu, đường nét uyển chuyển dịu dàng, mềm mại.
Trước khi dừng cuộc trò chuyện trong một ngày mùa xuân đang gõ cửa ngoài hiên, họa sỹ Thành Chương nói rằng, ông chỉ biết dành tình cảm riêng của mình, bằng nỗi nhớ Y Tý vào những bức tranh và mong sao, khi cuộc sống bình thường mới sau những thăng trầm của bệnh dịch, ông sẽ có dịp được trở lại, được đắm mình trong không gian tươi đẹp của Y Tý thêm nhiều lần nữa.