Phóng viên làm bác sỹ bất đắc dĩ
(Nhà báo Phạm Vũ Sơn)
Mỗi người sinh ra đều chọn cho mình một nghề để lao động mưu sinh. Với người làm báo, được trải nghiệm rất nhiều sự kiện, có khi là câu chuyện vui, tràn đầy hạnh phúc, nhưng cũng có khi là những tình huống buồn tủi mà ngay cả họ cũng không cầm được nước mắt. Cũng qua mỗi sự kiện, đôi khi họ phải làm những việc mà chưa bao giờ trong sách vở, trong trường học họ được học, được đào tạo và được cơ quan phân công như là một nhiệm vụ, mà họ làm theo bản năng, theo tiếng gọi của trái tim trước những gì họ thấy. Cứ tháng 6 hằng năm, kỷ niệm buồn, vui trong nghề như những thước phim quay chậm kết nối hiện tại với ký ức đã qua…
Hiện trường vụ tai nạn tại Km 122 + 800, Quốc lộ 4D, thuộc địa phận thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát khiến nhiều người thương vong. |
Còn nhớ vào khoảng 18 giờ 30 phút mùng 1/9/2014, khi vừa ngồi vào bàn chuẩn bị ăn tối thì tôi nhận được điện thoại từ một người bạn ở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thông báo có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Km 122 + 800, Quốc lộ 4D, thuộc địa phận thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) khiến nhiều người thương vong. Ngay lập tức tôi báo cáo lãnh đạo Ban Biên tập để xin tăng cường thêm phóng viên và vội vã thay quần áo, lấy máy ảnh, sổ, bút vào hiện trường.
Nhờ được tạo điều kiện đi thang dây của lực lượng cứu hộ, chúng tôi xuống tận nơi chiếc ô tô khách lao xuống vực. Dù đã được chuẩn bị tinh thần từ trước và cũng là phóng viên đã được chứng kiến nhiều sự việc như tai nạn giao thông, tai nạn lao động có người tử vong, nhưng khi đến nơi, tôi vẫn sốc trước cảnh tượng của vụ tai nạn thảm khốc này, bởi số người bị thương vong quá nhiều; đặc biệt, có nhiều thi thể không còn lành lặn và nhiều người bị thương đang kêu cứu. Thường thì đến tiếp cận bất kỳ vụ việc nào, phóng viên sẽ phải chụp ảnh lấy tư liệu, nhưng lần này thì khác, ngay lập tức chúng tôi tham gia với lực lượng cứu hộ tìm và chuyển người bị thương vào cáng để đưa lên trên đường, nơi xe cứu thương đang chờ.
Do địa hình quá phức tạp, nơi chiếc xe khách rơi xuống là vực sâu, nên lúc đầu chỉ có số ít y, bác sỹ xuống được. Trước tình hình khẩn cấp, một bác sỹ đã đề nghị lực lượng cứu hộ gọi bộ đàm lên phía trên để các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn các kim tiêm chứa thuốc giảm đau, thuốc chống sốc chuyển xuống dưới để những người ở dưới hiện trường tiêm cho các nạn nhân bị thương nặng. Ngay khi thuốc được đưa xuống, anh bác sỹ bảo với chúng tôi, mỗi người cầm một cuộn băng và kim tiêm có thuốc giảm đau cùng đi tìm những người bị thương để tiêm cho họ; sau khi bác sỹ tiêm thuốc cho ai thì chúng tôi sẽ buộc băng đánh dấu. Cùng với đó, băng bó vết thương cho những người bị thương để chống mất máu. Trong quá trình sơ cứu cho các nạn nhân, cả phóng viên và nhiều người trong nhóm nước mắt nhạt nhòa vì cảnh tượng quá thương tâm.
Hơn hai tiếng trôi qua, sau khi hơn 20 người bị thương nặng được đưa lên xe cứu thương đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, hiện trường vụ tai nạn ổn định, lúc đó anh em phóng viên chúng tôi mới bắt tay vào ghi hình, chụp ảnh, lấy thông tin…
Khi tin được đăng tải trên báo điện tử thì kim đồng hồ chỉ hơn 23 giờ. Lúc này chúng tôi mới nhìn lại mình, thấy quần áo, giày và cả cuốn sổ ghi chép đều thấm máu của nạn nhân…
Ai cũng biết làm báo là vất vả, và còn vất vả hơn khi tham gia làm các phóng sự điều tra hoặc đưa tin các vụ tai nạn, bão lũ… nơi những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng điều đó cũng không khiến anh em phóng viên chúng tôi chùn bước. Bởi, khi bước chân vào nghề này, chúng tôi đã xác định không ngần ngại xông pha, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ có sự kiện là phóng viên sẵn sàng lên đường…
Thử thách với phóng viên làm điều tra
(Nhà báo Cao Cường)
Trong các thể loại tác phẩm báo chí, điều tra luôn hấp dẫn người cầm bút và hấp dẫn bạn đọc bởi những thông tin có tính “bật mí”, chi tiết gay cấn trong quá trình thực hiện viết bài. Tính đặc thù của thể loại điều tra đòi hỏi phóng viên vừa có bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm xã hội, niềm tin và say mê nghề nghiệp, vừa có độ nhạy về mặt thông tin.
Một lán chứa gỗ pơ mu có nhiều khuất tất tại huyện nọ. (Ảnh do tác giả chụp trong một chuyến đi thực tế). |
Hồi mới vào nghề, trẻ tuổi nên độ ham khám phá, phiêu lưu, mạo hiểm còn lớn lắm nên khi được cử đến địa bàn một xã vùng cao nắm tình hình khai thác quặng sắt trái phép, tôi xung phong luôn. Đường tới điểm khai thác quặng thổ phỉ thuộc loại xa và khó khăn với những vách núi cheo leo, đường mở tự phát bị băm nát bởi các phương tiện chở quặng lậu. Không có lực lượng bảo vệ, không công cụ hỗ trợ giữa “rừng xanh, núi đỏ”, phóng viên chỉ có 2 người, trong khi công nhân, cửu vạn có đến mấy chục người đang miệt mài đào hầm, khoét núi. Làm sao để tiếp cận thông tin, hai chúng tôi vào vai cán bộ khí tượng, thủy văn đi khảo sát địa hình để đặt trạm khí tượng. Sẵn có chút vốn về ngành đặc thù này chúng tôi đã thuyết phục, tạo niềm tin ban đầu với quản lý mỏ và những người thợ hầm lò để có thể hỏi han, thoải mái quan sát hiện trường.
Rắc rối chỉ phát sinh khi đồng nghiệp của tôi dùng máy ảnh chụp lén hoạt động đào bới, hình ảnh mở thùng chứa mìn và kíp nổ, không may bị phát hiện. Thông tin được lan truyền rất nhanh, vốn là những người lao động lành hiền, chất phác nhưng khi cảm thấy có nguy cơ bị đe dọa, ảnh hưởng đến lợi ích thì những người thợ mỏ bỗng nhiên biến đổi thành người khác. Chúng tôi bị bao vây bởi những ánh mắt long sòng sọc, những khuôn mặt đỏ tấy phừng phừng, những xẻng, cuốc, dao, gậy lăm lăm trên tay. Có lẽ họ chỉ chờ hiệu lệnh của vị quản lý lúc này đang gọi điện thoại (có lẽ báo tin khẩn cấp tới “cấp trên”) là chúng tôi sẽ chẳng kịp có lời giải thích nào đã phải lĩnh hậu quả cho sự mạo hiểm. Tình thế rất nguy cấp, lúc này chúng tôi thấy mình bé nhỏ như chú thỏ giữa một rừng thợ săn, tôi rất hoang mang chưa nghĩ ra kế gì để thoát thân thì đồng nghiệp của tôi thản nhiên rút điện thoại “cục gạch” ra và dõng dạc: “A lô! Báo cáo chỉ huy, anh em chúng tôi đang có mặt tại cửa lò hướng Đông Bắc, theo hướng đường mới mở. Đề nghị thực hiện ngay phương án A”. Nghe đến đó, có lẽ những người xung quanh nghĩ rằng chúng tôi không phải là nhà báo mà là cơ quan chức năng tới nắm tình hình nên vội lảng xa vào các lùm cây, lúc sau không còn ai xung quanh. Chúng tôi vội rút êm ra ngoài. Thật là hú vía!
Lần khác, trong vai du khách “độc mã hành”, tôi chụp mấy kiểu ảnh người dân đào đãi vàng sa khoáng tại một con suối ở huyện nọ. Khi vừa lò dò bước từ bờ suối lên, chưa kịp nổ xe máy phóng đi thì có 2 thanh niên xăm trổ khắp người đứng chờ sẵn: “Ông chụp để làm gì? Đưa máy ảnh cho tôi xem!”, giọng nói chắc và gắt. Cố gắng để bình tĩnh tôi trả lời: “Mình là khách du lịch, đi qua đây thấy cảnh hay hay thì chụp thôi, có biết người dân họ đang làm gì đâu?”. “Máy ảnh thế kia mà bảo khách du lịch à, nhà báo thì có. Ông định cho chúng tôi không còn cơm ăn à? Xóa hết ngay những ảnh vừa chụp, nếu không ông không đi được nửa bước đâu”.
Giữa đồng không vắng người qua lại, tôi đành răm rắp làm theo hai thanh niên đang bừng bừng sát khí. Tất nhiên, bữa đó hai thanh niên không thể hiểu rằng ảnh mới chụp có xóa đi vẫn có thể khôi phục lại hoàn toàn sau vài phút xử lý kỹ thuật.
Rồi có lần tôi cùng đồng nghiệp buộc tay nải lên lưng để vào vai người đi kiếm thuốc nam, tìm trầm nhằm tiếp cận hiện trường một điểm khai thác trái phép rừng tự nhiên. Khi bị phát hiện, chúng tôi giấu máy ảnh trong người, thế là một cuộc tháo chạy và rượt đuổi giữa rừng già nguyên sinh diễn ra kịch tính như “trong phim”. Có lẽ sau ít phút đuổi bắt (có lẽ để dọa nhiều hơn là hành hung) những “lâm tặc” cũng dừng lại, nếu không chúng tôi sẽ khó lòng thoát được.
Mỗi lần viết bài điều tra lại gắn với một kỷ niệm, các tình huống mà người cầm bút gặp phải không lần nào giống lần nào. Nhưng không vì thế mà phóng viên nản chí, bởi có khi chính những sự gay cấn như thế đã tiếp thêm động lực cho người làm báo cách mạng yêu nghề hơn.
Kỷ niệm không muốn nhắc lại
(Nhà báo Thanh Nam)
Hai mươi năm kể từ ngày “chân ướt chân ráo” bước vào nghề đến nay, nhìn lại chặng đường đã qua, có những kỷ niệm mà tôi nhớ cả đời, thậm chí không muốn nhắc lại.
Nhà máy Thủy điện Nậm Tha 4 ngổn ngang sau lũ quét. |
Lần ấy, biết tin trận lũ quét gần như xóa sổ Nhà máy Thủy điện Nậm Tha 4 (Văn Bàn), sau khi báo cáo Ban Biên tập, tôi cùng đồng nghiệp lập tức lên đường với mong muốn là những người đầu tiên tiếp cận được hiện trường. Sau khi tiếp cận được hiện trường, mưa mỗi lúc một lớn, chúng tôi khẩn trương ghi lại hình cảnh tan hoang của Nhà máy Thủy điện Nậm Tha 4. Làm việc quá trưa, mệt mỏi, đói và ướt như chuột lột, chúng tôi quay ra khu điều hành cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Tha để ăn trưa và thay trang phục cho khỏi rét. Thật không may, lúc này tuyến đường bị sạt, bùn đất từ trên đồi “chảy” xuống, lấp kín lối đi. Chờ hơn một giờ đồng hồ, bùn đất vẫn đổ xuống, trong khi càng lúc càng đói và rét. Sự kiên nhẫn cũng có giới hạn, đợi thêm 30 phút nữa, thấy bùn đất có dấu hiệu ngừng chảy, chúng tôi quyết định “liều mình như chẳng có” vượt qua đoạn đường “sinh tử” này. Anh cán bộ của nhà máy và đồng nghiệp chạy thục mạng vượt qua, nhưng cũng không dễ dàng, bởi bùn đất ngập đến tận đầu gối, muốn nhanh cũng không được, trong khi phía trên thỉnh thoảng chút đất bùn lại chảy xuống. Xuất phát cuối cùng, tôi lấy hết sức bình sinh chạy nhanh nhất có thể. Khi sắp hết đoạn đường, bỗng cả khối đất bùn đổ xuống, thấy vậy anh cán bộ của nhà máy và đồng nghiệp nắm lấy hai tay của tôi vừa kéo vừa chạy thật nhanh. Qua được chỗ sạt, quay đầu nhìn lại, cả ba chúng tôi đều toát mồ hôi, mặt tái mét, bởi bùn đất đã lấp kín lối. Với tôi, lúc này không thể diễn tả được hết nỗi sợ và cảm thấy mình quá may mắn, nếu không…
Sau đó đúng một năm, nhóm phóng viên chúng tôi nắm được thông tin về việc người dân kéo nhau vào rừng khai thác trái phép pơmu, bán cho đầu nậu. Sau khi được Ban Biên tập phê duyệt, chúng tôi lên đường trong vai những người đi rừng. Qua các mối quan hệ, chúng tôi được một người dân địa phương cho ở nhờ. Cứ thế, ròng rã 4 ngày, sáng vào rừng, đi các ngả tìm dấu vết, chiều tối nấp trong bụi cây ghi lại hoạt động vận chuyển gỗ xuống núi. Ngày cuối cùng, cũng là ngày lượng gỗ được vận chuyển xuống núi nhiều nhất, chúng tôi quyết định “đón lõng” dưới chân núi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên tuyến đường vận chuyển có một chốt bảo vệ rừng. Để né lực lượng bảo vệ, khi chở gỗ gần đến chốt, người dân sẽ vác bộ vòng lên phía trên, rồi lao gỗ xuống. Nắm được quy luật vận chuyển, chúng tôi phân công nhau “án ngữ” tại các vị trí mà gỗ sẽ “đi” qua. Lúc này, trời tối như mực, tôi cũng không định hình rõ vị trí mà mình đảm nhận, nhưng cũng đủ nhận ra đó là rãnh sâu kéo dài từ đỉnh đồi xuống đường. Chưa ngồi ấm chỗ thì phía trên có tiếng người thì thầm, rồi những khúc gỗ lao rầm rầm theo rãnh xuống phía dưới. Có lẽ, lúc này mặt tôi cắt không giọt máu, rất may là vị trí tôi ngồi “chốt” trên mép rãnh, nếu không…
Trải qua hai lần may mắn, tôi càng cảm nhận được sự nhọc nhằn, hiểm nguy của nghề báo, nhưng cũng luôn tự hào bởi sự dấn thân của mình và đồng nghiệp đã mang lại những tác phẩm được công chúng quan tâm, đón nhận và có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội.
Nhớ những điểm trường vùng cao
(Nhà báo Tuấn Ngọc)
Hơn 10 năm gắn bó với Báo Lào Cai và được phân công phụ trách lĩnh vực giáo dục, tôi có nhiều kỷ niệm với các trường học và các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo công tác ở vùng cao. Những chuyến đi đến các điểm trường xa nhất tỉnh, biết và hiểu hơn những khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo “cắm bản gieo chữ” để lại trong tôi những ấn tượng khó phai.
Phóng viên tác nghiệp ở vùng cao phải vượt qua nhiều đoạn đường khó. |
Lần ấy, tôi có chuyến công tác đến Trường Tiểu học và THCS Tả Van (thị xã Sa Pa). Qua trao đổi, được đại diện nhà trường thông tin về điểm trường ở thôn Dền Thàng cách trung tâm xã hàng chục km, cũng là điểm trường xa nhất và khó khăn nhất. Mặc dù trời đã ngả về chiều, nhưng tôi vẫn quyết tâm vượt chặng đường đá gập ghềnh, cheo leo qua thôn Séo Mý Tỷ đến Dền Thàng.
Đánh vật với đoạn đường toàn đá hộc, 16 giờ tôi mới tới thôn. Một thầy giáo đứng tuổi, dáng cao gầy, mặc chiếc áo sơ mi trắng cũ đợi tôi ngay đầu thôn. Đó là thầy giáo Trọng, người đã có hơn chục năm gắn bó với mảnh đất gian khó này. Tôi phải để nhờ xe máy ở nhà dân, rồi cùng thầy Trọng đi bộ lên điểm trường trên sườn đồi. Lúc này giờ học đã tan, thầy Trọng bảo sáng mai học sinh đi học mới chụp ảnh và phỏng vấn được, nên thầy đưa tôi đi thăm thôn.
Thầy Trọng tâm sự: Điều quan trọng nhất đối với thầy giáo vùng cao là phải gần gũi với bà con, làm tốt công tác dân vận mới “kéo” được học sinh ra lớp. Quả thực, thầy Trọng được đồng bào Mông ở Dền Thàng quý lắm. Lúc vào thăm trại cá hồi ở cuối thôn, trời đã tối nhập nhèm, ông chủ trại hồ hởi mời chúng tôi ở lại ăn cơm, còn soi đèn pin ra ao bắt 2 con cá hồi biếu thầy Trọng mang về. Tối đó, tôi ngủ lại Dền Thàng, nghe thầy Trọng kể chuyện ngày trước điểm trường là nhà gỗ vách nứa nằm ở sát bên suối, mù mưa chỉ sợ lũ cuốn cả lớp học. Thời gian sau, trường được di chuyển lên sườn đồi an toàn hơn, nhưng đường đi lại quá khó khăn. Vất vả vậy nhưng thầy Trọng và các thầy cô giáo ở đây luôn thương yêu học trò như con, hết lòng dạy dỗ để học sinh đọc thông, viết thạo.
Cách đây 2 năm, tôi cùng phóng viên Hoàng Thu có dịp tới điểm trường Tà Moòng, thuộc Trường Tiểu học Nậm Chày (huyện Văn Bàn). So với các xã khác của huyện, Nậm Chày được coi là xã khó khăn bậc nhất, trong đó Tà Moòng là thôn heo hút nhất, được coi như “ ốc đảo” trên đỉnh núi. Lần đầu đến Tà Moòng, nhìn lại đoạn đường như sợi dây thừng vòng vèo dốc ngược, tôi phần nào cảm nhận được cuộc sống của các thầy cô giáo nơi đây.
Thầy giáo Lương Văn Lưu, người có thâm niên 15 năm “cắm bản”, trong đó có 8 năm gắn bó với điểm trường này bảo, ngày mới lên đây công tác phải đi bộ từ xã Hòa Mạc, vượt qua mấy con suối, vắt cắn chảy máu chân mới tới điểm trường. Còn cô giáo mầm non Phạm Thị Mận chia sẻ, do có con nhỏ nên hằng ngày dạy học xong phải về nhà, đến 5 giờ sáng hôm sau lên trường, mang cả thức ăn tươi để nấu cơm cho bọn trẻ trên núi. Khó khăn hơn nữa vì ngày ấy điểm trường không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại. Bây giờ thì trường lớp đã khang trang hơn, điện đã về thôn, chỉ thương học sinh vẫn còn nhiều thiếu thốn, mùa đông đến trường mà áo không đủ ấm.
Sau chuyến đi đó, tôi cùng đồng nghiệp hoàn thành bài viết “Bài ca trên núi Nậm Chày” đăng trên Báo Lào Cai cuối tuần. Giờ đây, mỗi khi ngắm giò phong lan các thầy cô giáo ở điểm trường Tà Moòng mến tặng đã lên xanh tốt, tôi lại nhớ tới những kỷ niệm nơi điểm trường nhỏ, ánh mắt thầy cô giáo và những học trò nghèo trên đỉnh núi Nậm Chày xa xôi…