Hoa tam giác mạch.
Năm nay, những cánh đồng hoa tam giác mạch đã gợi mở hướng phát triển du lịch cho huyện nghèo Si Ma Cai. Tại xã Lử Thẩn, hoa tam giác mạch với sắc trắng hồng đã phủ khắp triền đồi khiến cho vùng cao nơi đây có sức hút kỳ lạ với khách du lịch.
Cây tam giác mạch còn được người Mông gọi là cây Sèo. Loài hoa này được bà con dân tộc gieo trồng vào tháng 7, tháng 8 (âm lịch) sau khi thu hoạch lúa vụ mùa. Đặc điểm của cây tam giác mạch là thân mềm có màu đỏ, cao khoảng 30 – 80 cm, hoa nở rộ vào mùa thu. Mùa hoa chỉ kéo dài trong vòng 2 đến 3 tuần. Màu sắc của hoa có sự chuyển đổi khác nhau như trắng, hồng trắng, hồng tím. Các cánh hoa nhỏ chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, ở giữa là một hạt mạch quý. Thế nên cây còn có cái tên là “tam giác mạch”.
Hạt tam giác mạch (Ảnh: sưu tầm)
Hạt tam giác mạch bé chỉ bằng nửa hạt đậu đen. Người Mông đem xay nhỏ thành thứ bột thật mịn. Bột nhào với nước cho thật dẻo mềm rồi tạo thành hình bánh tròn tròn. Bánh làm không khó, nhưng khó nhất là khâu xay bột. Bởi hầu hết người Mông đều xay bột bằng tay, xay đều tay để có thứ bột mịn thì khi làm bánh, bột sẽ không bị lợn gợn.
Bánh được làm từ hạt cây tam giác mạch. (Ảnh Văn Trường)
Bánh khi tạo hình được hấp chín trên bếp lửa, hoặc rán trên chảo nóng. Những chiếc bánh tam giác mạch khi chín có màu tím sậm. Khi ăn, chỉ cần bẻ từng miếng bánh tam giác mạch nhâm nhi để cảm nhận vị ngọt, vị thanh, vị bùi lan tỏa cùng chút hương hăng hăng đặc trưng của cây rừng./.