Vợ chồng ông Xuất, bà Huệ. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Xuất (68 tuổi) và bà Lâm Thị Huệ (67 tuổi) ở tổ dân phố Phú Thịnh 2, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Hơn 20 năm qua, kể từ khi triển khai phong trào, gia đình ông Xuất, bà Huệ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, từ phát triển kinh tế đến chăm sóc, nuôi dạy con. Gia đình ông bà nhiều năm liền là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; các con của ông bà đều trưởng thành và có công việc ổn định.
Ông Nguyễn Văn Xuất bộc bạch: Vợ chồng tôi đều xuất thân từ nông dân, không được học nhiều, nhưng từ đời cha ông đã được răn dạy rằng phải lấy gia đình làm gốc, luôn giữ gìn hạnh phúc gia đình. Vợ chồng phải tôn trọng, thấu hiểu và biết san sẻ với nhau trong mọi việc. Con cái phải được học hành đầy đủ, biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập.
Chính quan điểm nuôi dạy con và xây dựng gia đình được bố, mẹ răn dạy nghiêm khắc, quy củ từ khi còn nhỏ nên cả 6 người của ông Xuất và bà Huệ đều là những con ngoan, trò giỏi, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.
Gia đình ông Xuất, bà Huệ là 1 trong 26.836 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” của huyện Bảo Thắng năm 2021. Bảo Thắng cũng địa phương có tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” cao của tỉnh (đạt 91,6%). Để có được kết quả ấy, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa.
Ví dụ từ huyện Bảo Thắng để thấy những năm qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, gắn với nhiều phong trào thi đua của các ngành, đoàn thể, hội, như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình phát triển bền vững”…
Xây dựng gia đình văn hóa là 1 trong 7 nội dung thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào ngày càng lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ hộ đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trung bình hằng năm đạt trên 85%. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được đưa vào quy ước của thôn, bản, tổ dân phố; quy trình, thủ tục bình xét, công nhận danh hiệu được công khai tại các khu dân cư, chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên. Năm 2000, toàn tỉnh có 51.636 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 44%), đến năm 2020, có 155.710/170.842 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 91%). Điển hình trong phong trào này là các huyện: Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.
Gia đình ông Nguyễn Văn Xuất và bà Lâm Thị Huệ ở tổ dân phố Phú Thịnh 2, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng. |
Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trước đây, việc xây dựng gia đình văn hóa chưa được người dân quan tâm, chú trọng, một phần bởi các quy định về tiêu chuẩn đạt hay không đạt danh hiệu chưa đầy đủ và rõ ràng, khiến việc bình xét, công nhân danh hiệu này đơn giản, hời hợt ở một số địa phương. Kể từ khi có Nghị định 122/2018/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Ấp văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” thì phong trào trở nên thiết thực và chất lượng hơn. Tuy nhiên, đối với tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Lào Cai thì nhận thức không đồng đều giữa các vùng, các địa phương cũng khiến phong trào chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa ở nhiều địa phương vùng cao còn thấp, dẫn đến khó đạt những danh hiệu khác.
Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Nhàn, để phong trào đạt hiệu quả hơn nữa, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, chính quyền và mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, hội nông dân, hội người cao tuổi… trong tuyên truyền, vận động, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc.