Xôi ngũ sắc của người Tày Lào Cai có các màu đỏ tươi, đỏ thẫm, vàng, nâu, tím. |
Xôi ngũ sắc của người Tày gồm các màu: Đỏ tươi, đỏ thẫm, vàng, nâu, tím. Người Tày quan niệm xôi màu tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều, không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng (co khảu, khảu đen) để nhuộm màu, tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau và cho ra sản phẩm xôi thơm ngon, hấp dẫn.
Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu. Với xôi màu đỏ, dùng lá (co khảu) luộc kỹ, chắt lấy nước để nguội, rồi cho gạo vào trộn đều, để khoảng một giờ. Khi hạt gạo đã chuyển sang màu đỏ, lúc đó mang đồ xôi, khi xôi chín có màu đỏ tươi rất hấp dẫn. Tương tự, xôi đỏ nhạt, xôi vàng cũng làm từ lá (co khảu), nhưng cách pha chế và thời gian ủ có khác đôi chút. Riêng màu xôi tím và nâu làm từ cây (khảu đen), lá được hơ qua lửa cho héo, giã nhỏ rồi đem trộn với tro quả núc nác, lọc lấy nước trộn cùng gạo nếp. Khi đồ xôi chín tới có màu tím, xôi chín kỹ hơn chuyển sang màu nâu.
Xôi ngũ sắc ngoài hương vị thơm ngon, béo ngậy, hấp dẫn bởi màu sắc, chất của loại lá cây rừng còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Người Tày làm xôi ngũ sắc trong các nghi lễ cúng giỗ, cưới hỏi, vào nhà mới và các ngày tết mồng 5 tháng 5, ngày Rằm tháng 7 hằng năm…